Thứ năm,  19/09/2024

Người thương binh giàu nghị lực

LSO-Đó là ông Hồ Thủy Giang, một cựu chiến binh, thương binh ở khu An Ninh, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng.

Ông Hồ Thủy Giang

Đến thăm ông vào một ngày tháng Bảy, tiếp tôi trong gian phòng đầy đủ tiện nghi đắt tiền, chuyện trò giữa chúng tôi mỗi lúc một cởi mở, thân tình. Tôi được biết: ông nhập ngũ vào quân đội tháng 4/1972. Ông bị thương trong trận ném bom rải thảm của máy bay B52 Mỹ trong khu vực đơn vị ông đóng quân. Sau thời gian điều trị, khi vết thương đã lành, ông xin được trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội với chức vụ trợ lý tham mưu trung đoàn. Đến năm 1993 thì được nghỉ hưu với quân hàm đại úy.

Đất nước mới trải qua chiến tranh nên còn nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Gia đình ông cũng nằm trong hoàn cảnh chung ấy.  Sau nhiều ngày đêm trăn trở, suy nghĩ rồi bàn với vợ hạ quyết tâm: “phải thoát nghèo và tiến tới làm giàu”.

Nghe nói vài năm trở lại đây, ông thu nhập các khoản từ trang trại mỗi năm hàng trăm triệu đồng? (tôi hỏi). Ông gật đầu và cười rất tươi.

Theo yêu cầu của tôi, ông lấy xe máy chở tôi đến trang trại của ông ở thôn Đằng, xã Yên Sơn (Hữu Lũng) cách nhà ông trên 10 km. Đây rồi, 6 ha đất mà ông mua được nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè cùng với số tiền tích cóp được của vợ chồng ông là khu đất này đây. Ông bảo: Khi có đất rồi, tôi còn phải bỏ hàng trăm công lao động để khai hoang, phát rậm, san lấp thùng hố,… để có mặt bằng mà khai thác, sử dụng. Đất này ông gọi là loại đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nhưng vào tay ông thì đều thành “tấc đất tấc vàng”. Tùy theo chất đất, địa thế mà ông sử dụng cho hợp lý: khu chăn nuôi, khu trồng rau màu, khu trồng cây ăn quả…

Ông kể: Năm 1997, sau khi có khu đất này, chúng tôi đặt “lộ trình” từng bước để bắt đất đẻ ra của cải với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Những năm tháng đầu tiên là trồng ngô, khoai, sắn, xen kẽ là trồng cây ăn quả lâu năm. Thế rồi đất không phụ công người, mùa nọ kế tiếp mùa kia, có làm là có ăn. Đời sống cứ mỗi ngày mỗi khá lên. Các cháu được học hành đến nơi đến chốn. Tôi có 2 cháu, một trai, một gái.  Cả hai đang là những “trợ lý” giúp việc cho tôi rất đắc lực để quản lý và phát triển trang trại. Hiện nay, tại trang trại này chúng tôi có 2.000 cây na dai, 200 cây bưởi đường, 300 cây cam đã cho thu hoạch nhiều năm nay, 50 cây mít đã trồng trên 4 năm đang lên xanh tốt, hứa hẹn ngày thu hoạch. Lợn trong chuồng thường xuyên có 50-100 con. Năm 2016, nhà tôi xuất chuồng được trên 10 tấn lợn hơi. Giá lợn thịt hồi ấy còn cao, riêng tiền bán lợn nhà tôi cũng thu được trên 100 triệu đồng. Đấy là chưa kể đàn gà nuôi lấy trứng và thịt để ăn “bồi dưỡng sức dân” là chính.

Được biết ngoài việc sử dụng sức lao động của gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động (chủ yếu là lao động thời vụ), với số tiền công 200.000 đồng /người/ngày. Nếu tính tổng thu nhập bình quân hàng năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập được trên 200 triệu đồng. 

TRƯƠNG THỌ