Thứ sáu,  20/09/2024

Những nông dân bắt “đất cằn nhả ngọc”

LSO-Để na Chi Lăng có được thương hiệu, vị trí như ngày hôm nay, không thể không kể đến sự đóng góp của những “kỹ sư chân đất”, những người bắt “đất cằn nhả ngọc” trên mảnh đất Chi Lăng. 
Ông Hứa Văn Đèn, thôn Phố Sặt, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng: Sản xuất na an toàn.

Với mục tiêu đưa quả na an toàn đến với người tiêu dùng, năm 2014 tôi đã vận động 28 hộ dân thành lập tổ sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô gần 11 ha. Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình đã đi vào sản xuất ổn định và phát huy hiệu quả.

Hiện nay, tổ sản xuất na VietGAP đã có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ chăm sóc cũng như bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên với giá cả ổn định. Từ thành công của tổ sản xuất na VietGAP tại thị trấn Chi Lăng, đến nay, toàn huyện đã nhân rộng được hơn 100 ha sản xuất na theo mô hình này.

Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng huyện Chi Lăng: Nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây na trên cùng diện tích, năm 2012, tôi đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật về sản xuất na trái vụ tại vườn nhà. Đặc điểm của quả na trái vụ là năng xuất tuy thấp hơn so với na chính vụ nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn. Việc sản xuất na trái vụ sẽ làm giảm bớt gánh nặng về mùa vụ, lao động, cho thu nhập bằng 1,5 lần so với na chính vụ trên cùng diện tích.

Vụ na năm 2016, gia đình tôi có 220 cây na trái vụ cho thu hoạch, với sản lượng hơn 2 tấn đem lại thu nhập hơn 80 triệu đồng. Đến nay, gia đình tôi đang đã mở rộng diện tích na trái vụ lên 360 cây.

Ông Phí Văn Sơn thôn Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng: Bớt nhọc nhằn mùa vụ.

Năm 2000 cây na bắt đầu được phát triển mạnh, tuy nhiên việc sản xuất na của người dân gặp nhiều khó khăn do địa hình núi cao, hiểm trở. Cũng năm đó, tôi tình cờ bắt gặp người dân xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng dùng tời để chuyển đá, tôi đã nảy ra ý tưởng dùng tời để chuyển na trên núi xuống.

Trở về nhà tôi cùng 5 hộ gia đình thiết kế và góp tiền mua vật liệu chế tạo chiếc tời đầu tiên để vận chuyển na với chiều dài 400 m. Từ đó chiếc tời ngày càng được nhiều nhóm hộ lắp đặt và cải tiến, đến nay toàn huyện đã có khoảng 800 chiếc tời tại các xã, thị trấn trồng na, nhờ đó đã giảm bớt nhọc nhằn cho người trồng na. Từ hiệu quả của chiếc tời, năm 2015, tôi được tỉnh lựa chọn đi dự gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu toàn quốc.

PVKT