Thứ sáu,  20/09/2024

Người nông dân làm giàu từ cao khô

LSO-Sau bao vất vả tìm tòi, học hỏi, từ nghề làm cao khô truyền thống, ông Hoàng Văn Hùng, thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan đã có một cơ sở sản xuất khang trang mang lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống gia đình.

Ông Hùng đang thực hiện công đoạn phơi cao khô

Ông Hùng chia sẻ: Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề cao khô, lúc đó gia đình tôi làm thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, chỉ đủ cung cấp trên địa bàn xã. Năm 1993, tôi lập gia đình, cuộc sống 2 vợ chồng gặp nhiều khó khăn do không có ruộng để sản xuất, thu nhập chỉ trông chờ vào nghề làm cao khô. Từ những khó khăn đó, tôi luôn trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để nâng cao năng suất, mở rộng quy mô và quảng bá sản phẩm cao khô ra thị trường bên ngoài để tăng thu nhập. Năm 2011, với số tiền tích lũy được, gia đình tôi vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua máy nghiền bột, máy tráng bánh và máy thái bánh trị giá 80 triệu đồng. Sau khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thấy rất thuận tiện và hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và sức lao động. Nếu như trước đây, mỗi ngày chỉ làm hết khoảng 30 kg gạo thì bây giờ đã làm được 1 tạ gạo, tương ứng với trên 800 bó cao thành phẩm. Giá bán 1 bó cao khô dao động từ 3 nghìn đồng đến 6 nghìn đồng.

Để làm ra một bó cao khô phải qua 12 công đoạn kỳ công, từ chọn loại gạo bao thai ngon đến các công đoạn tráng bánh, phơi ròng 3 tiếng rồi ngâm ủ nước sạch, sau đó thái mỏng thành sợi rồi phơi khô… “Mỗi ngày gia đình tôi phải thức từ 4 giờ sáng để vo gạo, đun bếp và thực hiện liên tục các công đoạn làm cao khô cho đến chiều tối. Nhà tôi có 3 người phụ giúp nhau, người tráng bột, người thái, người xếp cao vào mành để phơi…”, ông Hùng cho biết.

Sau một thời gian mở rộng thị trường, cao khô của gia đình ông Hùng được nhiều khách hàng biết đến, không chỉ tiêu thụ trong xã mà còn được bán buôn, bán lẻ sang các tỉnh khác như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đắc Lăk, thành phố Hồ Chí Minh… khách nước ngoài đến tham quan, du lịch cũng mua để làm quà. Khi thị trường và số lượng tiêu thụ tăng, ông Hùng đã thuê thêm 5 nhân công là những người trong xã để tăng sản lượng, thu nhập bình quân 3 – 4 triệu đồng/tháng .

 Là hộ đầu tiên tại Chợ Bãi sử dụng máy để sản xuất cao khô, ông Hùng còn nhận nghiền bột, tráng bánh, cắt bánh cho các hộ cùng sản xuất cao khô trên địa bàn xã. Nhưng với lượng tiêu thụ ngày càng tăng thì chỉ một máy của gia đình ông là chưa đủ, ông Hùng động viên một số hộ đầu tư máy móc và trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để các hộ tự phục vụ sản xuất của gia đình. Bên cạnh đó, ông đã dạy nghề cho các hộ muốn phát triển kinh tế từ nghề làm cao khô. Đến nay, toàn xã đã có 6 hộ có máy sản xuất cao khô và 15 hộ làm nghề sản xuất cao khô.

Ngoài làm cao khô, gia đình ông Hùng còn tận dụng sản phẩm thừa trong sản xuất cao khô để chăn nuôi từ 4 đến 5 con lợn thịt. Trừ các loại chi phí, trung bình mỗi năm gia đình ông thu về từ 120 đến 140 triệu đồng. Thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang.

Ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phúc cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hùng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, đặc biệt là tuyên truyền vận động, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Với sự quyết tâm, nỗ lực, ông Hùng đã bước đầu thành công trong phát triển kinh tế nhờ nghề làm cao khô, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất cao khô Chợ Bãi. Năm 2016, ông Hùng được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011 – 2016.

KIM HUYÊN