Thứ tư,  18/09/2024

Người truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho học sinh

LSO-Từ những nguyên liệu, vật liệu sẵn có trong đời sống sản xuất hằng ngày, cô Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1983, giáo viên môn Sinh học, Địa lý, Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Minh Phát, huyện Lộc Bình đã khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho các em học sinh trong trường, nhiều đề tài được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.


Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Minh Phát, huyện Lộc Bình
dùng thảo dược chế biến thuốc trị ký sinh trùng trên gia súc

Năm học 2013 – 2014, cô giáo Thoa được lãnh đạo trường giao nhiệm vụ hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, với điều kiện trường vùng 3, hầu hết học sinh trong trường thuộc diện hộ nghèo, nhiều em nhà cách trường hơn 6 km, trường cách trung tâm huyện hơn 20 km nên việc đi lại, giao lưu, học tập cũng như thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học khó khăn hơn nhiều so với khu vực trung tâm. Đặc biệt, nhà trường không có thiết bị phục vụ thí nghiệm, chưa có mạng internet… do đó, việc tra cứu thông tin, tìm hiểu về khoa học kỹ thuật rất khó khăn. Hơn nữa, hầu hết các em ít được giao lưu, tiếp xúc với xã hội hiện đại nên sự sáng tạo, thực hiện các ý tưởng có tính chuyên sâu, phức tạp còn hạn chế.

Để khích lệ niềm say mê nghiên cứu khoa học, phát huy sự sáng tạo của học sinh trong trường, cô Thoa thường xuyên cung cấp các thông tin về những cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, các đề tài, dự án hay, có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Cùng đó, thường xuyên thực hiện những thí nghiệm trong sách giáo khoa, khuyến khích các em đề xuất ý tưởng để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Qua đó, nhằm truyền cảm hứng học tập, sáng tạo và thực hiện ý tưởng cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thoa cho biết: Tiêu chí đầu tiên để thực hiện ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật là đề tài phải có chi phí thấp, nguyên liệu dễ tìm và gần gũi với đời sống của các em. Để các em có kiến thức nền về đề tài mình sắp thực hiện sau mỗi giờ lên lớp, tôi đã dành thời gian tra cứu, sưu tầm thông tin liên quan đến các đề tài, ý tưởng của học sinh trên internet. Những thông tin sưu tầm được tập hợp lại, in thành tài liệu cho các em nghiên cứu.

Với từng ý tưởng cụ thể cô đều lập kế hoạch thực hiện, trong đó quy định thời gian cho từng công đoạn, lựa chọn điều kiện tối ưu nhất để hoàn thành dự án. Bên cạnh khuyến khích các em tham gia, thực hiện đề tài, giáo viên hướng dẫn đã tuyên truyền, vận động gia đình tạo điều kiện về thời gian cho các em thực hiện dự án vì với học sinh vùng 3 ngoài giờ lên lớp, các em còn phải phụ giúp các công việc trong gia đình. Với học sinh khu vực trung tâm, có sản phẩm thì coi như dự án đã hoàn thành. Tuy nhiên, với học sinh vùng 3 như Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Minh Phát, cô và trò còn phải bỏ ra cả tuần lễ để luyện tập thuyết minh đề tài. Do các em ít được giao lưu, tiếp xúc nên khả năng thuyết trình, đứng trước đám đông rất hạn chế. Vì vậy, cô và trò lại phải bỏ ra cả tuần lễ cùng nhau luyện tập để các em có thể tự tin nói về đề tài, dự án của mình trước ban giám khảo.

Bà Trần Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Minh Phát, huyện Lộc Bình cho biết: Niềm say mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật của cô Thoa đã lan tỏa sang nhiều giáo viên và học sinh trong trường. Từ năm học 2014 – 2015 đến năm học 2017 – 2018, cô Thoa đã hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều đề tài, ý tưởng, trong đó, 7 ý tưởng đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Bên cạnh truyền cảm hứng cho các em học sinh đề xuất ý tưởng, nghiên cứu khoa học, cô giáo Thoa còn làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Năm học 2015 – 2016 và 2016 – 2017, cô đều được UBND huyện Lộc Bình công nhận là chiến sỹ thi đua cơ sở. Thời gian tới, cô sẽ tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn các em học sinh thực hiện các đề tài, sáng kiến khoa học kỹ thuật.

HOÀNG VƯƠNG