Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ

(LSO) – “So với chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao và không tốn nhiều công chăm sóc” – đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hiệu (sinh năm 1983), thôn Hữu Vĩnh 2, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn khi nói về mô hình nuôi thỏ New Zealand của mình. Với sự chăm chỉ, chịu khó, mạnh dạn trong đầu tư chăn nuôi, đến nay, anh đã thành công với mô hình, thu lãi trên 20 triệu đồng/tháng.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại nuôi thỏ rộng hơn 300 m2, anh Hiệu chia sẻ: “Trước đây, tôi làm nghề cơ khí. Cơ duyên đến với nghề nuôi thỏ cũng rất tình cờ, cuối năm 2017, tôi nuôi thử nghiệm 13 con thỏ để phục vụ  nhu cầu của gia đình. Trong quá trình nuôi, nhận thấy việc nuôi thỏ khá đơn giản, có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon nên tôi quyết định tìm hiểu để thực hiện mô hình chăn nuôi, với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương”.

Anh Nguyễn Văn Hiệu kiểm tra sức khỏe của thỏ

Từ suy nghĩ đó, năm 2018, anh Hiệu lặn lội tới các trang trại nuôi thỏ ở các tỉnh, như: Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình… để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật và mua giống. Đến cuối năm 2018, anh mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn để xây dựng chuồng trại với diện tích trên 300 m2 và mua 100 con thỏ nái. Chuồng trại của anh được lắp đặt hệ thống làm mát, quạt thông gió, đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ phát triển. Nhờ  được chăm sóc đúng quy trình, đàn thỏ phát triển nhanh, nuôi được 3 tháng bắt đầu sinh sản, thời điểm đó, trong chuồng gia đình anh Hiệu luôn duy trì trên 1.000 con thỏ thương phẩm.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ năm 2019 đến nay, anh Hiệu nhân giống thỏ nái lên gần 250 con và duy trì số lượng thỏ trong chuồng trên 3.000 con. Anh Hiệu cho biết: Mỗi năm thỏ đẻ từ 8 đến 9 lứa, mỗi con thỏ cái có thể đẻ từ 5 đến 10 con/lứa, sau 95  đến 100 ngày chăm sóc, thỏ đạt trọng lượng từ 2,3 kg/con trở lên là có thể xuất bán. Hiện nay, tôi chủ yếu bán cho đầu mối thu mua tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình, giá bán trung bình khoảng 70 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, tôi còn thu gom của một số hộ nuôi thỏ khác trên địa bàn huyện để cung cấp ra thị trường, bình quân mỗi tháng, tôi xuất bán trên 4 tấn thỏ thương phẩm, trừ chi phí, mỗi tháng đạt lợi nhuận từ 20 triệu đồng trở lên.

Chia sẻ về cách chăn nuôi thỏ, anh Hiệu cho biết thêm: Nuôi thỏ không khó, nhưng chuồng trại cần  thoáng mát, sạch sẽ. Thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp và bổ sung thêm rau, cỏ… Đặc biệt, đối với nuôi thỏ, quan trọng nhất là khâu phối giống, bởi nếu không chọn đúng thời kỳ thì thỏ không mang thai được, vì vậy cần ghi chép lại quá trình sinh đẻ của chúng đầy đủ để tiến hành phối giống. Thời gian tới, tôi dự kiến mở rộng thêm 200 m2 chuồng trại để nuôi thêm 3.000 con thỏ.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bắc Sơn cho biết:  Anh Nguyễn Văn Hiệu là hội viên tiêu biểu, bởi sự năng động, dám nghĩ, dám làm và đã thành công với mô hình nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở trong và ngoài huyện đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi thỏ và được anh nhiệt tình chia sẻ.  Với đầu ra ổn định, thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân học tập cách làm của anh để đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước làm giàu.

Với những nỗ lực của bản thân, tháng 7/2020, anh Hiệu là 1 trong 15 nông dân tiêu biểu của tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 – 2020.

HIỂU LAM