Thứ năm,  19/09/2024

Gặp lão nông trồng đào “tiến vua”

(LSO) – Lạng Sơn, mảnh đất được biết đến là “xứ hoa đào”, bởi nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều giống hoa đào đẹp như: đào phai, đào trắng, đào chuông… Đặc biệt, giống đào thất thốn, còn được gọi là “đặc sản tiến vua” được người dân và khách du lịch gần xa biết đến. Chúng tôi có dịp tìm về gặp lão nông Đặng Vĩnh Chuyên (khối phố Cam Thủy, thị trấn Bình Gia, Huyện Bình Gia), người tiên phong phát triển giống đào “tiến vua” ở huyện.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Chuyên, trong một ngày cuối tháng 12, trời lất phất mưa bay. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn đào “tiến vua”, ông Chuyên bắt đầu câu chuyện: Cũng như bao người nông dân khác, trước đây, tôi chỉ quanh quẩn với công việc đồng áng, cũng gọi là đủ ăn, đủ tiêu. Nhưng tôi lại có đam mê mãnh liệt với các loại cây cảnh. Khi được một người bạn ở Hà Nội đem lên tặng một cây đào thất thốn, tôi dần bị mê hoặc bởi những bông hoa hồng thắm, mọc ra từ lớp vỏ xù xì như một điều bí ẩn. Nên năm 2002, tôi đã quyết định tìm tòi nghiên cứu và trồng giống đào này. Đến năm 2003, khi các cây đào ra quả, tôi hái để nhân giống và đã thành công, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ đất trồng lúa, ngô sang trồng loại cây này. Đến đầu năm 2006, tôi đã thuê thêm đất vườn của bà con lân cận để trồng mở rộng diện tích cây giống.

Ông Đặng Vĩnh Chuyên, khối phố Cam Thủy, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia đang chăm sóc cây đào “tiến vua”

Khi mới bắt đầu, vì chưa có kinh nghiệm trồng, chăm sóc nên cây đào chỉ cho hoa sau tết. Bằng đam mê và niềm yêu thích, ông Chuyên đã dày công tìm và đọc các loại sách, báo về cách trồng đào thất thốn và nhờ một vài người bạn tư vấn để học cách chiết, ghép cành và kích cho cây ra hoa sớm. Sau 8 năm miệt mài thử nghiệm nhiều phương pháp, khi tưởng chừng đã thất bại thì tới năm thứ 9, trời đã không phụ công người, ông Chuyên đã tìm ra phương pháp làm cho hoa nở đúng dịp tết.

Đến nay, sau gần 20 năm kinh nghiệm trồng đào thất thốn, ông Chuyên cho biết: Giống đào này phát triển khá chậm so với các giống đào khác, trong một năm, nếu biết cách chăm sóc, cành đào sẽ mọc tối đa được khoảng 1 gang tay người lớn. Hoa kép có màu hồng thẫm, số lượng cánh hoa trên một bông tối đa khoảng 45 cánh. Đặc điểm của giống đào thất thốn là chúng thường chỉ cho ra hoa vào khoảng rằm tháng Giêng. Vì vậy, để “ép” cho cây ra hoa nở đúng dịp tết là cả một quá trình công phu và là “bí quyết riêng” của mỗi người trồng đào. Ông bật mí: “Loại đào này rất ưa môi trường nhiệt. Chỉ cần nắm bắt được điểm này thì việc cho nở hoa lúc nào cũng không còn khó khăn nữa. Việc chăm sóc, uốn, tỉa cây cũng đơn giản hơn rất nhiều. Thậm chí, có cây hơn 1 năm nhưng đã cho ra rất nhiều hoa”.

Sau khi ông áp dụng được phương pháp cho hoa nở đúng dịp tết, nhiều người tìm đến tận vườn mua và thu về lợi nhuận cao nên ông Chuyên tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay, tổng diện tích 4 vườn đào của ông rộng hơn 4.000 m2 với gần 2.000 cây đào, cây từ 1 năm tuổi đến cây hơn 10 năm tuổi. Cây càng già, giá càng cao, từ 3 triệu đồng/cây đến hơn 70 triệu đồng/cây. Ngoài ra, mỗi năm ông nhân giống từ hạt được khoảng 1.600 cây, vừa để bán cây giống vừa để trồng gối cho năm sau. Sau khi trừ chi phí, ông Chuyên thu về khoảng 200 triệu đồng/năm từ vườn đào.

Đặc biệt, năm 2015, tại triển lãm cây cảnh ở Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, ông Chuyên đã chọn những cây đào thất thốn đẹp nhất trong vườn để mang đi trưng bày, quảng bá. Với nét độc đáo riêng, cây của ông đã nhận được sự chú ý từ du khách cả nước. Từ đó, nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội… đã tìm tới tận nơi để mua hoặc thuê cây.

Nói về dự định tới đây, ông Chuyên nói sẽ đăng kí và phát triển giống đào thất thốn thành sản phẩm OCOP và hướng đến đưa ra thị trường nước ngoài. Theo ông Chuyên, dưới con mắt người sành chơi cây, xét về mặt thẩm mỹ, đào thất thốn được coi là “hoa hậu” của các loại đào. Bởi, vẻ đẹp tiềm ẩn cũng như nét đẹp tinh tế các giống đào khác không có được.

TIỂU YẾN