Thứ năm,  19/09/2024

Gương sáng ở Khau Ràng

(LSO) – Đó là ông Đàm Văn Đông, sinh năm 1962, ở thôn Khau Ràng xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn. Với sự năng động, nhạy bén, ông đã xây dựng thành công mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả, phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương… trở thành tấm gương cho bà con học tập, noi theo.

Xóm Bản Roọng, thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt dồi dào, nhờ những mạch nước ngầm trong mát chảy ra từ hang Lân Vục. Tận dụng nguồn nước đó, người dân nơi đây đã xây đắp ao để nuôi cá.

 Đến xóm Bản Roọng ngày hôm nay, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những ao cá đã, đang mang về những mùa bội thu cho bà con ở đây. Thành quả đó là nhờ sự cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân Khau Ràng. Tiêu biểu trong đó là ông Đàm Văn Đông, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt xã Đồng Ý.

Ông Đàm Văn Đông, thôn Khau Ràng xây thêm ao mới để mở rộng diện tích nuôi cá

Trước đó, ông Đông và những người dân ở thôn Khau Ràng chỉ biết trồng lúa. Mặc dù có nguồn nước dồi dào nhưng nước lạnh, đồng ruộng chiêm trũng, ngập lụt không thích hợp với cây lúa nên năng suất thấp. Vì thế, dù lao động cần cù, vất vả, cuộc sống của người dân ở đây vẫn hết sức khó khăn.

Nhận thấy nguồn nước phong phú, trong sạch, thuận lợi cho việc nuôi cá nên năm 2013, từ những ruộng lúa năng suất thấp, ông Đông đã xây 2 ao với diện tích gần 4 sào, đón lấy nước để nuôi cá. Mỗi năm, gia đình ông thả một tạ cá giống, gần 3.000 con các loại: trôi, trắm, mè, chép. Từ 2 ao cá, gia đình ông thu được gần 1,2 tấn cá thành phẩm/năm, với giá bán 60 nghìn đồng/kg, mang về hơn 70 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá, ông cho biết: Nhờ có nguồn nước ổn định, trong mát nên việc nuôi cá rất thuận lợi. Nguồn thức ăn cho cá cũng dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, bột ngô, cám gạo… Quan trọng nhất là khâu phòng bệnh. Cá nước ngọt hay bị mắc bệnh lở loét ngoài da, bệnh đốm đỏ, nên mỗi năm, tôi phòng bệnh cho cá 2 lần vào tháng 3 và tháng 5. Để cá sinh trưởng và phát triển tốt nên thả cá vào mùa xuân (tầm tháng 2 đến tháng 3), nuôi khoảng 8-9 tháng thì được thu hoạch. Sau khi thu hoạch cần vệ sinh ao bằng cách tát cạn, rắc vôi khử khuẩn. Nuôi cá cho thu nhập cao gấp 6-7 lần so với trồng lúa, nên năm 2021, tôi mở rộng thêm 1 ao với diện tích gần 3 sào.

 Mô hình nuôi cá nước ngọt của ông Đông mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với đặc thù của địa phương nên rất nhiều người dân nơi đây học tập, làm theo. Anh Phạm Hồng Thụy, người dân cùng thôn cho biết: Nhận thấy mô hình nuôi cá nước ngọt của bác Đông mang lại hiệu quả, nên những năm gần đây, gia đình tôi cũng xây đắp ao để nuôi cá. Hiện tại, tôi có 2 ao với diện tích gần 4 sào, bước đầu nuôi cho thu nhập gần 30 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng mô hình này.

Để thuận lợi cho việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt, tháng 1/2019, ông Đông đã đứng ra thành lập Chi hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt xã Đồng Ý gồm 24 hội viên, do ông làm Chi hội trưởng. Chi hội có 30 ao với tổng diện tích hơn 6 ha, cho tổng thu nhập hơn 3 tỉ đồng/năm. Nhờ đó, đời sống của bà con nơi đây ngày càng được nâng lên.

Ngoài nuôi cá, từ năm 2019, ông Đông xây dựng  mô hình nuôi trâu nhốt chuồng, từ 3 đến 4 con/năm. Để có nguồn thức ăn, ông trồng hơn 7 sào cỏ voi. Từ mô hình nuôi cá và nuôi trâu mang về cho gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ý cho biết: Ông Đàm Văn Đông là một tấm gương cần cù, năng động trong lao động, sản xuất. Mô hình nuôi cá nước ngọt của ông đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Để nhân rộng mô hình, những năm gần đây, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã quan tâm hỗ trợ người dân thôn Khau Ràng về thức ăn, con giống, hệ thống ao nuôi, hệ thống mương nước… Đến nay, thôn Khau Ràng có hơn 30 hộ tham gia nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích gần 10 ha.

THU DIỄM