Thứ sáu,  20/09/2024

Nghệ nhân gần 80 năm gìn giữ vốn then cổ Xứ Lạng

– Đến thôn Nà Ván, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, hỏi thăm nhà nghệ nhân ưu tú  Bế Thị Vẩn (Pựt Vẩn), không ai là không biết. Bà là người dân tộc Tày, hiện đã 96 tuổi và đã có 79 năm thực hành then cổ. Bà là tấm gương sáng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc Tày ở Tràng Định nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Những ngày giữa tháng 10/2022, men theo con đường quanh co xuyên qua cánh đồng lúa ở xã Tri Phương đang độ chín vàng, chúng tôi đến thăm nghệ nhân ưu tú Bế Thị Vẩn vừa lúc bà đang thực hiện nghi lễ then cổ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng những ngón đàn của bà vẫn rất điêu luyện. Kết thúc nghi lễ, trong không gian cổ của nếp nhà truyền thống đậm chất văn hóa dân tộc Tày, bà Vẩn kể cho chúng tôi về những năm tháng khởi đầu đến với then cổ của mình

Nghệ nhân Ưu tú Bế Thị Vẩn truyền dạy nghi lễ then cho đệ tử

Bà Vẩn cho biết: Năm 1941, tôi bắt đầu theo học then với cụ Lường Thị Thì ở thôn Pò Bó, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định. Sau quá trình học tập, nghiên cứu và bước đầu thực hành, năm 1943, khi ấy được 17 tuổi, tôi đã được làm lễ cấp sắc và bắt đầu hành nghề. Từ năm 1950 đến năm 1990, trải qua 4 kỳ đại lễ lẩu then thăng sắc, tôi đã đạt “chức phẩm” cao nhất trong dòng then với chiếc mũ có 13 dải tua.

Sau một thời gian học hỏi và nắm bắt được các nghi lễ then cổ, bà Vẩn đã trực tiếp thực hành nhiều lễ then lớn, nhỏ theo phong tục tập quán truyền thống của đồng bào Tày tại các làng bản trong xã Tri Phương, huyện Tràng Định và các vùng lân cận, tiêu biểu như: giải hạn, cầu an, đầy tháng, trấn trạch, vào nhà mới, tang lễ, thôi tang, đám cưới… và các nghi lễ khác. Bên cạnh đó, bà còn nắm giữ và thể hiện thuần thục các làn điệu then đặc trưng của huyện Tràng Định như điệu: pây tàng (đi đường), khảm hải (vượt biển), cho sluông (gọi phu đò), hát vong nhân, khách vàng khách phượng, múa chầu…

Ngoài việc trực tiếp thực hành tín ngưỡng then, bà Vẩn thường xuyên tham gia cấp sắc, hướng dẫn hát then cho nhiều học trò, thành viên câu lạc bộ then trên địa bàn.

Anh Bế Trung Kiên, thôn Nà Ván, xã Tri Phương, đệ tử then của nghệ nhân ưu tú Bế Thị Vẩn cho biết: Gia đình tôi có truyền thống thực hành tín ngưỡng then tâm linh nên tôi rất yêu thích, mong muốn được học hỏi và tôi đã tìm đến nghệ nhân Bế Thị Vẩn để được truyền dạy. Bà đã dạy cho tôi các làn điệu, nghi lễ then cổ như: then cầu an giải hạn, then sinh nhật, 19 làn điệu then nối số bà đều truyền lại cho tôi.

Trong quá trình thực hành tín ngưỡng then, bà Vẩn còn phối hợp với các báo, đài, các viện trung ương và địa phương thực hiện các tin bài, phóng sự, phim tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản then. Năm 2015, bà Vẩn phối hợp cung cấp các thông tin, tư liệu cho cán bộ của Trung tâm Văn hóa huyện Tràng Định và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục vụ công tác thống kê, sưu tầm di sản then trên địa bàn tỉnh.

Ông Đoàn Minh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tràng Định cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản then trên địa bàn huyện có sự đóng góp rất lớn của nghệ nhân ưu tú Bế Thị Vẩn. Mặc dù hiện nay tuổi đã cao nhưng bà vẫn nhiệt tình tham gia thực hành then tại cộng đồng, truyền dạy cho các thế hệ mai sau để mạch nguồn di sản văn hóa không bị đứt gãy. Bà thực sự là tấm gương sáng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn.

Với những đóng góp tiêu biểu trên, tháng 9/2022, nghệ nhân Bế Thị Vẩn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với loại hình “Tập quán xã hội và tín ngưỡng”.

HOÀNG HIẾU