Thứ năm,  19/09/2024

Người tâm huyết với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

– Đó là Nghệ nhân Ưu tú Đặng Thúy Nga, sinh năm 1958, trú tại khối 5, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Với 37 năm tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, bà Nga luôn nỗ lực, cống hiến hết mình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.

Bà Đặng Thúy Nga bắt đầu tìm hiểu, yêu thích thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ngay từ khi mới 5 tuổi. Bà Nga cho biết: Ngày đó, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không nhộn nhịp, cởi mở như bây giờ. Tuy nhiên, vì gia đình tôi có truyền thống thực hành tín ngưỡng này nên ngay từ nhỏ, tôi đã được tham dự các buổi diễn xướng nghi lễ chầu văn do ông nội thực hiện và thường được cùng các bà, các mẹ lên đền, chùa nên tôi có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu với tín ngưỡng này hơn.

Bà Đặng Thúy Nga thực hành diễn xướng nghi lễ chầu văn tại Hà Nội

Cũng bởi không gian trang nghiêm, những điệu hát văn khi dìu dặt, khoan thai, lúc lại réo rắt, lảnh lót cùng nghi thức hầu đồng vừa thực vừa ảo đã thu hút khiến bà háo hức, say mê. Từ năm 1983, bà được thầy Trần Thị Mai Hương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang truyền dạy thực hành nghi lễ chầu văn, quy trình, cách thức tiến hành một buổi lễ hầu đồng. Không chỉ vậy, bà còn tìm đến các nghệ nhân lớn tuổi trong và ngoài tỉnh có kinh nghiệm trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để nắm bắt các lề lối, nghi thức diễn xướng. Cùng với đó, trong công việc của mình, bà luôn chỉn chu từ trang phục đến cung văn, thực hành mỗi vấn hầu đảm bảo tôn nghiêm, thành kính.

Sau khi thực hành thành thạo các nguyên tắc, động tác kỹ thuật, nội dung trình tự các giá hầu, từ đó đến nay, bà Nga thường xuyên tham gia diễn xướng, thực hiện các nghi lễ, nghi thức trong một năm theo quy định của tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, bà còn tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích, hiện bà đang làm thủ nhang tại Đền Mới, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Bà Dương Thị Thanh Thủy, thành viên Ban Quản lý thường trực Đền Mới cho biết: Bà Nga là người rất tâm huyết với việc gìn giữ, bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bà cũng chính là người đã lan tỏa, giúp chúng tôi hiểu và yêu thích hơn về tín ngưỡng này.

Nhằm mục đích lan tỏa giá trị tốt đẹp, bảo tồn và phát huy nét đẹp di sản này, nhiều năm qua, bà Nga không ngừng nỗ lực, bền bỉ truyền dạy thực hành diễn xướng nghi lễ chầu văn ở cộng đồng. Được biết tính đến nay, bà đã truyền dạy cho hơn 60 người ở trong và ngoài tỉnh như: Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… về cách thực hành diễn xướng, các nghi thức, nghi lễ trong chầu văn…

Bên cạnh việc trực tiếp thực hành các khóa lễ tại nhiều đền, phủ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong nước, bà Nga còn tham gia nhiều liên hoan, hội diễn liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu như: liên hoan hát chầu văn năm 2017 của Cục Văn hóa cơ sở; liên hoan diễn xướng nghi lễ chầu văn tỉnh Lạng Sơn các năm: 2016, 2019… Ngoài ra, bà còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội cùng các sự kiện nghi lễ tại các đền thờ lớn bằng trách nhiệm và sự tâm huyết, nhiệt thành với cộng đồng và thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn, đóng góp thường xuyên cho việc tôn tạo, tu bổ đền, chùa ở nhiều nơi.

Bà Phạm Thị Thuận, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Nghệ nhân Đặng Thúy Nga là một trong số các nghệ nhân tiêu biểu trên địa bàn thành phố tâm huyết với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bà thường xuyên tham gia các hoạt động bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu, qua đó, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này đến với người dân trong và ngoài tỉnh.

Với những đóng góp như vậy, tháng 9/2022, bà Đặng Thúy Nga vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình “tập quán xã hội và tín ngưỡng” do có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tin rằng, với sự tâm huyết của mình, bà sẽ tiếp tục đưa tín ngưỡng thờ Mẫu đến với người dân và khơi dậy niềm tự hào về tín ngưỡng của dân tộc.

Tháng 12/2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, bao gồm nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn.
LƯƠNG THẢO