Thứ năm,  19/09/2024

Một lòng với di sản văn hóa then Xứ Lạng

– Đến với thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, hỏi thăm nhà bà Hoàng Thị Phun (Then Ngọc), sinh năm 1959, dân tộc Tày, không ai là không biết. Gần 30 năm một lòng với thực hành then cổ, bà là một trong những nghệ nhân tiêu biểu trong tỉnh có nhiều tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc Tày và đã được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT).


NNƯT Hoàng Thị Phun thực hành nghi lễ then cổ trong đại lễ then thăng sắc tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn

Then là tín ngưỡng dân gian đã lưu truyền trong cộng đồng dân tộc Tày Xứ Lạng từ rất lâu đời. Để thực hành then có sức sống lâu bền trong đời sống dân gian không thể thiếu vai trò của các nghệ nhân. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Cao Lộc giàu truyền thống văn hóa, từ nhỏ NNƯT Hoàng Thị Phun đã được đắm mình trong các lễ then lớn nhỏ trong làng. Dần dần những câu hát ngọt ngào này đã khiến bà say mê và quyết tâm tìm học.

Bà Phun cho biết: Năm 1994, tôi bắt đầu theo học then với cụ Hoàng Thị Cải ở huyện Lộc Bình. Trải qua quá trình học tập, nghiên cứu và bước đầu thực hành, năm 1995, tôi đã được làm lễ lẩu then khai quang cấp sắc và bắt đầu hành nghề. Từ đó đến nay, tôi đã trải qua rất nhiều kỳ đại lễ lẩu then thăng sắc, năm 2018, tôi đã được cấp 15 dải mũ, là “chức phẩm” cao nhất trong dòng then của tôi.

Sau khi học và thành nghề từ năm 1995 đến nay, NNƯT Hoàng Thị Phun trực tiếp thực hành hơn 500 lễ then lớn, nhỏ theo phong tục tập quán truyền thống của đồng bào Tày tại khắp các làng, bản trong xã Gia Cát, huyện Cao Lộc và các vùng lân cận trong tỉnh như khao tổ, pủ lường (mừng thọ), thôi tang…  Cùng với đó, bà còn đi thực hành tại một số tỉnh, thành phố như: Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội, Đắk Lắk, Đắk Nông… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh trong cộng đồng.

Bà Hoàng Thị Hường, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tháng Giêng hằng năm, tôi đều mời bà then Phun về làm then cho gia đình để cầu phúc, mạnh khỏe, cầu bình an. Tôi thấy giọng hát của bà rất mượt mà, tiếng đàn thì bay bổng, nhẹ nhàng khiến gia đình tôi cảm thấy vui vẻ, phấn khởi và an tâm hơn về mặt tinh thần.

Ngoài việc trực tiếp thực hành tín ngưỡng then, bà Phun thường xuyên tham gia truyền dạy, hướng dẫn hát then cho nhiều học trò, thành viên câu lạc bộ then trên địa bàn. Đến nay, bà đã truyền nghề cho 6 học trò, cùng hơn 100 con hương, con cầu, con ký (con gửi); tham gia sinh hoạt và truyền dạy các ngón đàn cổ, lời hát then cổ, múa chầu cổ cho các thành viên trong Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã Gia Cát.

Trong quá trình thực hành tín ngưỡng then, bà Phun còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương, trình diễn một số trích đoạn then cổ tại các lễ hội truyền thống như lễ hội Đồng Đăng, lễ hội chùa Bắc Nga… và các chương trình khác trên địa bàn huyện Cao Lộc. Những cống hiến thầm lặng của bà góp phần quan trọng để nghi lễ then của dân tộc Tày Lạng Sơn được gìn giữ và phát huy.

Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản then trên địa bàn huyện có sự đóng góp rất lớn của NNƯT Hoàng Thị Phun. Bà Phun vẫn hằng ngày nhiệt tình tham gia thực hành then tại cộng đồng, có uy tín đối với cộng đồng dân cư. Cùng với đó, bà còn tích cực truyền dạy cho các thế hệ trẻ để di sản văn hóa này không bị mai một. Bà là tấm gương sáng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Với những đóng góp tiêu biểu trên, tháng 9/2022, nghệ nhân Hoàng Thị Phun được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với loại hình “Tập quán xã hội và tín ngưỡng”.

ĐỨC TÂM