Thứ sáu,  20/09/2024

Không vay mà thành nợ

(LSO) – Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bị đe dọa, uy hiếp tinh thần khi tự nhiên nhận được thông báo nợ tiền công ty tài chính, yêu cầu trả tiền lãi và gốc, trong khi bản thân không hề thực hiện giao dịch vay vốn nào…

 Bỗng dưng… thành con nợ

Ngày 4/10/2019, anh Hà Hải Hoàng, trú tại khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Đầu dây bên kia thông báo anh nợ Công ty tài chính FE CREDIT (có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) số tiền hơn 70 triệu đồng. Do không vay số tiền này, anh Hoàng cố biện minh nhưng được người gọi nêu đúng thông tin cá nhân như: địa chỉ, số chứng minh nhân dân và đã làm hồ sơ vay vốn từ tháng 6/2019.

Từ đó đến nay, anh và gia đình liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ các số máy lạ “khủng bố” tinh thần, yêu cầu trả nợ. Không những thế, các đối tượng còn lập facebook ảo đăng tin đòi nợ và xúc phạm danh dự, gây ảnh hưởng lớn tới uy tín và cuộc sống gia đình.

Người dân (bên trái) cung cấp thông tin về việc không vay mà thành con nợ cho phóng viên

Tương tự anh Hoàng, chị Lý Thị Hương, trú tại ngõ 39, đường Tam Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cũng bỗng nhiên thành “con nợ”. Đầu tháng 10/2019, có một người tự xưng là nhân viên Công ty tài chính FE CREDIT đến tận nhà đòi khoản nợ hơn 26 triệu đồng do chị đã mua xe máy theo hình thức trả góp, nay mới trả được 3 kỳ nên họ đến yêu cầu trả số kỳ còn lại.

Chị Hương bức xúc: Tôi chưa bao giờ mua xe trả góp, sau khi yêu cầu kiểm tra, tôi thấy hồ sơ vay đúng tên, địa chỉ của mình nhưng ngày, tháng, năm sinh lại không trùng khớp. Tôi khẳng định tôi không vay nên không lý gì phải trả số tiền này và nói sẽ báo công an để điều tra vụ việc, đối tượng này lập tức bỏ đi.

 Cần đề cao cảnh giác

Không chỉ 2 trường hợp trên, theo thống kê của Công an tỉnh công an các huyện, thành phố, từ tháng 4/2019 đến nay, các đơn vị đã  được trình báo của hơn 20 người dân về thủ đoạn trên. Cụ thể, lợi dụng thủ tục vay vốn đơn giản của các công ty tài chính, các đối tượng tìm cách lấy thông tin cá nhân của người dân để vay vốn hoặc mua tài sản trả góp rồi chiếm đoạt luôn. Sau đó, người dân vô tình trở thành người vay mà không hề hay biết.

Mặt khác, lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân, các đối tượng mượn sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân để đi vay tiền. Trong đó, tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định có 2 trường hợp người dân bị đối tượng nhờ ký vào giấy biên nhận vay tiền và hứa sẽ trả “hoa hồng”. Hai trường hợp này nhẹ dạ làm theo nên đã bị lừa, vô tình gánh trên vai khoản nợ không nhỏ. Đáng nói hơn, họ đều thuộc hộ nghèo, nay rất hoang mang, lo lắng trước khoản nợ từ “trên trời rơi xuống”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những con số trên, còn nhiều nạn nhân do bị đe dọa, “khủng bố” tinh thần, không dám trình báo cơ quan chức năng. Hằng ngày, họ luôn thường trực tâm lý bất an. Trước tình trạng đó, công an các cấp trên địa bàn đã và đang phối hợp xác minh, điều tra làm rõ; đến nay đã xóa nợ cho 2 bị hại. Đồng thời, các đơn vị đã ra thông báo về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để người dân cảnh giác.

Thượng tá Đoàn Văn Tôn, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Để phòng, chống các hành vi lừa đảo nói chung, người dân cần tỉnh táo, bình tĩnh nhận định tình hình, ghi lại thông tin đối tượng phục vụ cơ quan chức năng điều tra, phá án. Đặc biệt, cần tự bảo mật thông tin cá nhân, không để kẻ xấu lợi dụng thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như không để ảnh hướng tới uy tín, danh dự của bản thân và gia đình…

HOÀNG HUẤN – TRIỆU THÀNH