Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô

(LSO) – Vào mùa đông, thời tiết hanh khô, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy cao. Do đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân cần chủ động thực hiện công tác PCCC rừng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 500.000 ha rừng, chủ yếu là các loại cây như: thông, keo, bạch đàn… có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa cháy. Khi thời tiết nắng hanh kéo dài, khiến thảm thực vật dưới các tán rừng trở nên khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng càng cao. Từ ngày 1/12 đến ngày 13/12/2020, trên địa bàn đã ghi nhận 5 vụ cháy rừng, trong đó 2 vụ ở thành phố Lạng Sơn, 3 vụ ở 3 huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng.

Điển hình như, vào hồi 15 giờ 30 phút ngày 8/12/2020, tại thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn xảy ra vụ cháy rừng. Nhưng với sự có mặt kịp thời của 14 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, sau 1 giờ 30 phút, vụ cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Đám cháy lớn thiêu rụi 0,3 ha thảm thực vật, may mắn không thiệt hại về người và cây lâm nghiệp. Nguyên nhân được xác định là do người dân dọn cỏ, đốt cỏ trong thời tiết khô hanh đã gây cháy lan.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra PCCC rừng tại UBND xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc

Thượng tá Trương Thanh Xuân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng là do người dân bất cẩn, chủ quan khi đốt, dọn thực bì. Thời tiết hanh khô rất dễ xảy ra cháy và cháy lan diện rộng. Vì thế, để PCCC rừng, giảm thiệt hại về rừng trong mùa khô, ngay từ tháng 5/2020, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC rừng, trong đó, chú trọng tuyên truyền, huấn luyện để nâng cao nhận thức của người dân cũng như kỹ năng xử lý tình huống của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng. Đồng thời, thường trực lực lượng, phương tiện 24/24 giờ để xử lý kịp thời khi có tình huống cháy nổ xảy ra, hạn chế thiệt hại.

Được biết, từ tháng 5/2020 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC – CNCH, Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan kiểm lâm tuyên truyền lồng ghép các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCC rừng được hơn 460 cuộc cho hơn 30.000 lượt người tham gia.

Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã rà soát lại phương án chữa cháy cho từng loại rừng cụ thể, phù hợp với điều kiện phương tiện, nguồn nước chữa cháy. Đồng thời, tuyên truyền, vận động chủ rừng kiểm tra, phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa theo hướng dẫn kỹ thuật hiện hành đối với các khu rừng có nguy cơ cháy cao, đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCC rừng phù hợp với địa hình, loại rừng.

Chị Mè Thị Thúy, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 ha rừng. Trời hanh khô rất dễ xảy ra cháy rừng, mà cháy lan thì thiệt hại rất lớn nên gia đình tôi phải thay nhau phát cỏ sạch sẽ, khi đốt cỏ cũng hết sức chú ý để hạn chế nguy cơ cháy rừng.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả PCCC rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, trong mùa khô 2020 – 2021, Chi cục sẽ tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và PCCC rừng; huấn luyện PCCC rừng cho cơ sở, lực lượng dân phòng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ các phương án PCCC rừng trên địa bàn, bao gồm việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCC rừng…

Từ đầu tháng 12/2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại 4 huyện, thành phố, 5 xã và làm việc trực tiếp với 5 chủ rừng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những tồn tại hạn chế, đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị, chủ rừng khắc phục, làm tốt hơn công tác bảo vệ, PCCC rừng.

Tin tưởng rằng, với sự chủ động của lực lượng chức năng và người dân sẽ làm giảm nguy cơ cháy rừng, bảo vệ người và tài sản, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững.

NGỌC HIẾU