Thứ năm,  19/09/2024

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm sát

(LSO) – Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đối với công tác quản lý, điều hành nghiệp vụ của ngành, những năm gần đây, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh tích cực triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ trong hoạt động của VKSND  2 cấp, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Bà Hồ Thị Lan Anh, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Thời gian qua, VKSND 2 cấp đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác kiểm sát nói chung, mang lại nhiều thuận lợi cho cán bộ, kiểm sát viên 2 cấp. Đến nay, cán bộ, kiểm sát viên đều thành thạo  việc soạn thảo văn bản, truy cập Internet để tra cứu, cập nhập, khai thác thông tin phục vụ công tác chuyên môn. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí in ấn tài liệu, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh tin học hóa hành chính.

Cán bộ Viện kiểm sát Nhân dân huyện Tràng Định sử dụng phần mềm để lưu trữ hồ sơ

Đặc biệt, từ năm 2014, việc lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến được VKSND 2 cấp quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho việc tổ chức hội nghị giao ban, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi nghiệp vụ… Từ năm 2019 đến nay, VKSND tỉnh đã tổ chức được hơn 60 hội nghị trực tuyến 2 cấp, giúp tiết kiệm được thời gian và kinh phí đối với những đơn vị cách xa trung tâm tỉnh, kịp thời nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất. Đồng thời, VKSND tỉnh phối hợp với Tòa án Nhân dân tỉnh lắp đặt camera giám sát ở phòng xét xử và tổ chức được gần 150 phiên tòa rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, lãnh đạo các đơn vị được theo dõi trực tiếp, thông qua đó nắm bắt và chỉ đạo kịp thời, đảm bảo sự minh bạch trong công tác xét xử, giúp các kiểm sát viên, thẩm phán, các cán bộ tham dự phiên tòa trực tuyến thấy được ưu, nhược điểm của mỗi bên. Qua đó, tích lũy thêm kinh nghiệm về phương pháp, nghiệp vụ chuyên môn.

Bên cạnh đó, từ năm 2018, VKSND 2 cấp cài đặt phần mềm sổ thụ lý điện tử án hình sự, phần mềm đã tin học hóa quy trình nghiệp vụ quản lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; quản lý án hình sự, giúp lãnh đạo đơn vị kiểm soát được số lượng vụ án của từng kiểm sát viên đang thụ lý ở giai đoạn nào; nắm bắt được hồ sơ sắp hết hạn để có chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, qua phần mềm này đã giúp lãnh đạo VKS và kiểm sát viên nắm được số án tạm đình chỉ, đình chỉ, trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; giảm tải khâu thống kê, tổng hợp, góp phần tiết kiệm nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành.

Cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh sử dụng phần mềm quản lý, theo dõi án hình sự

Ông Nguyễn Phúc Bình, Viện trưởng VKSND huyện Tràng Định cho biết: Trước đây, việc quản lý thông tin hồ sơ án hình sự chỉ viết tay vào sổ thụ lý dẫn đến nhiều bất cập như: chữ viết tay khó đọc, tẩy xóa hồ sơ do sai sót, tổng hợp khó khăn… Từ năm 2018, VKSND huyện đã sử dụng phần mềm sổ thụ lý điện tử án hình sự, giúp lãnh đạo đơn vị và cán bộ kiểm sát, nắm bắt được hồ sơ đang ở giai đoạn nào để kịp thời xử lý, giảm thời gian tra cứu, tìm kiếm thông tin, tránh được tình trạng để án quá hạn.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành góp phần nâng cao kỹ năng sử dụng, khai thác tối ưu tiện ích phần mềm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên, nhất là việc giúp lãnh đạo VKSND tỉnh nắm được khối lượng, chất lượng công việc của từng đơn vị, từng cá nhân, từ đó, có kế hoạch bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. VKSND tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, VKSND các huyện, thành phố ứng dụng nhiều loại phần mềm vào thực hiện nhiệm vụ như: phần mềm thống kê, quản lý án hình sự, dân sự; phần mềm thư điện tử; phần mềm lập lịch công việc đối với cán bộ… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT của VKSND 2 cấp.

Thời gian tới, VKSND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các phần mềm ứng dụng chung của ngành; đẩy mạnh khai thác, sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử; từng bước hướng tới việc số hóa tài liệu và sao lưu tài liệu định kỳ phục vụ cho việc tra cứu tài liệu của cán bộ, kiểm sát viên… Đặc biệt, đẩy mạnh sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến, tăng cường phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm 2020, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của VKSND đạt 91,96% (vượt 1,69% chỉ tiêu của ngành đề ra); 100% các vụ án được điều tra, không để tình trạng quá hạn; tỷ lệ kiểm sát điều tra vụ án hình sự đạt 82,16% (tăng 1,24%); tỷ lệ kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đạt 99,96% (tăng 0,67%).
TIỂU YẾN