Thứ sáu,  20/09/2024

Ngành thuế ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý thuế tập trung

(LSO) – Sau 3 năm ứng dụng, phần mềm quản lý thuế tập trung (TMS) đã đem lại những lợi ích thiết thực với cơ quan, cán bộ ngành thuế tỉnh, góp phần giúp đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Năm 2019, ngành thuế Lạng Sơn thực hiện thu ngân sách được trên 3.000 tỷ đồng, vượt gần 45% dự toán pháp lệnh, tăng gần 15% so với năm 2018. Có được kết quả này, bên cạnh việc nỗ lực triển khai các giải pháp tăng thu thì việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành thuế, đặc biệt là triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thuế tập trung (TMS) phục vụ cán bộ, công chức thuế đã được triển khai tích cực. Theo tổng hợp từ Cục Thuế tỉnh, đến nay, toàn ngành đã trang bị xong 1 phòng đào tạo với gần 50 máy tính, đảm bảo phục vụ gần 50 học viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tin học và phần mềm quản lý thuế tập trung; 100% công chức chuyên môn (gần 400 người) đã được trang bị máy tính có kết nối và ứng dụng thành thạo hệ thống TMS.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh ứng dụng hệ thống quản lý thuế tập trung

Được biết, trước đây, hệ thống ứng dụng quản lý thuế được triển khai phân tán dẫn đến các hệ thống này còn nhiều hạn chế trong khâu tổng hợp số liệu chung về người nộp thuế trong toàn tỉnh. Để quản lý thuế, cơ quan thuế các cấp phải ứng dụng từng hệ thống riêng biệt, khác nhau, do đó không đồng nhất về số liệu kê khai, nộp thuế, nợ thuế… của người nộp thuế, dẫn đến có sự sai lệch số liệu giữa các bộ phận của cơ quan thuế. Từ năm 2016 đến nay, sau khi triển khai, ứng dụng, hệ thống TMS đã khắc phục triệt để các hạn chế này. Cụ thể, hệ thống TMS đã thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế phân tán tại Cục Thuế, các phòng và cấp chi cục, đáp ứng được toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ đăng ký thuế, quản lý hồ sơ, quản lý và xử lý kê khai, quyết toán thuế, kế toán thuế nội địa, quản lý nợ thuế… Ông Nguyễn Đình Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực II cho biết: Ứng dụng TMS thực sự là công cụ hỗ trợ đắc lực cho đơn vị, cán bộ, công chức trong quy trình nghiệp vụ quản lý thuế trong chi cục. Đơn cử như việc quản lý nợ thì ứng dụng giúp cán bộ quản lý nợ thực hiện đầy đủ các công việc từ phân công thu nợ, phân loại nợ, tính tiền chậm nộp, chốt số liệu nợ theo kỳ kế toán của người nộp thuế, in các thông báo đôn đốc và các báo cáo theo quy trình quản lý nợ… Nhờ quản lý tốt nợ thuế mà năm 2019, tỷ lệ nợ thuế do chi cục quản lý chỉ chiếm 1% tổng số thu ngân sách, thấp hơn quy định của ngành 5% .

Để hệ thống phát huy hiệu quả cao, những năm qua, song song với việc tổ chức vận hành quản trị về mặt kỹ thuật để đảm bảo ứng dụng hoạt động ổn định, Cục Thuế thường xuyên nâng cấp hoàn thiện ứng dụng TMS để đáp ứng tốt yêu cầu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, các quy trình quản lý thuế theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Năm 2018, hệ thống TMS được nâng cấp, tích hợp thêm dịch vụ thuế điện tử (eTax) để người nộp thuế ứng dụng vào việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế.

Ông Lê Công Mai, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Với 1.960/1.964 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, đạt gần 100% (tăng trên 70% so với năm 2016); trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh có khoảng 600 chứng từ nộp thuế điện tử; số thu ngân sách năm nay vượt chỉ tiêu được giao và tăng so với năm trước; 3 năm liền, từ năm 2016 đến 2019, Cục Thuế tỉnh luôn đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Lạng Sơn… cho thấy chủ trương hiện đại hóa ngành thuế là rất đúng đắn và việc ứng dụng phần mềm quản lý thuế tập trung đã mang lại hiệu quả tích cực. Để phát huy hiệu quả hơn nữa hệ thống TMS, thời gian tới, Cục Thuế tiếp tục tiếp tục nâng cấp ứng dụng này; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và cách thức sử dụng hệ thống cho công chức  ngành thuế; tiếp tục hỗ trợ tích cực người nộp thuế ứng dụng hệ thống vào  kê khai, nộp thuế, hoàn thuế.

MINH ĐỨC