Thứ sáu,  20/09/2024

Lạng Sơn với lộ trình thực hiện chính quyền điện tử

LSO-Theo lộ trình, đến năm 2017, Lạng Sơn sẽ hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử. Xét về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), nguồn nhân lực…, Lạng Sơn hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu thực hiện chính quyền điện tử.
Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra ứng dụng CNTT tại Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tháng 7/2015, Lạng Sơn vinh dự là 1 trong 17 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được thành phố Đà Nẵng chuyển giao mô hình chính quyền điện tử. Ông Nông Phương Đông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lạng Sơn cho biết: chính quyền điện tử là đề cập đến việc các cơ quan hành chính sử dụng các CNTT kết nối với công dân, doanh nghiệp và với các cơ quan trực thuộc chính phủ. Chính quyền điện tử nhằm cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, cải cách hành chính, cải thiện sự tương tác với doanh nghiệp, tăng cường quyền lực cho công dân thông qua việc truy cập thông tin hoặc quản lý chính quyền hiệu quả hơn. Lợi ích của nó mang lại là nâng cao sự minh bạch, thuận tiện, tăng doanh thu hoặc giảm chi phí.

Để trở thành chính quyền điện tử cần có hạ tầng CNTT tốt và nguồn nhân lực biết ứng dụng CNTT. Tính đến thời điểm này, hạ tầng CNTT của tỉnh cơ bản được đảm bảo. Tỷ lệ máy tính trên tổng số cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính đạt hơn 90%. Hiện tại, 32 sở, ngành, huyện, thành phố đều có kết nối Internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện.

Ông Đông cho biết thêm: mục tiêu của chính quyền điện tử là kết nối thông tin quản lý, điều hành từ tỉnh đến tận các xã, phường một cách chặt chẽ, nhanh chóng. Hiện hệ thống văn phòng điện tử eOffice vào ứng dụng tại 100% sở, ban, ngành và các huyện, thành phố. Một số đơn vị như thành phố Lạng Sơn và các huyện: Chi Lăng, Tràng Định, Lộc Bình, Cao Lộc… còn đưa hệ thống này đến cấp xã. Hệ thống được ứng dụng hiệu quả, thực hiện tốt quy trình xử lý văn bản góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm và bưu chính, nâng cao hiệu quả xử lý công vụ. 

Để đạt mục tiêu kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp thì trên cơ sở đã có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tại 2 điểm cầu ở tỉnh và 11 điểm cầu tại cấp huyện. Hơn nữa, hệ thống “một cửa” điện tử đã trang bị đến 11 đơn vị. Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử được thành lập và triển khai đến 32 cơ quan, đơn vị hành chính.

Về nguồn nhân lực, đến nay, trên 90% cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị hành chính trong tỉnh biết sử dụng thành thạo máy vi tính. Trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức qua đào tạo nghiệp vụ CNTT đạt khoảng 30% – 40%. Đầu năm 2016, 32 văn thư tại 21 sở, ngành và 11 huyện, thành phố đã được sử dụng chứng thư số, chữ ký số. Dự kiến năm 2016, tỉnh tiếp tục sử dụng 300 triệu đồng triển khai chữ ký số đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hành chính.

Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Lạng Sơn cho biết: hằng năm qua kiểm tra ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị cho thấy cơ bản cán bộ, công chức từ lãnh đạo đến chuyên viên ứng dụng thành thạo máy vi tính và các phần mềm hệ thống, phần mềm chuyên ngành góp phần tạo môi trường làm việc hành chính ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. 

Từ hạ tầng và việc triển khai ứng dụng CNTT cùng với nguồn nhân lực như đang có, Lạng Sơn đã có hơn 10 thủ tục hành chính công mức độ 3, trên 2.000 thủ tục hành chính được công khai trên mạng. Cùng đó, các hoạt động hành chính của các cấp chính quyền, chỉ đạo điều hành đều được minh bạch trước người dân, doanh nghiệp. Như vậy, Lạng Sơn đã có một nền tảng quan trọng nhằm đáp ứng được tiến độ thực hiện mô hình chính quyền điện tử trong thời gian tới.

MINH ĐỨC