Thứ sáu,  20/09/2024
Ứng dụng công nghệ thông tin:

Cần sự đồng bộ

LSO-Hiện đại hóa hành chính là 1 trong 6 nội dung quan trọng của chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước. Nội dung này chưa tạo được sự cải cách đột phá ở Lạng Sơn. Để việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng hiệu quả, góp phần hiện đại hóa hành chính cần hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành, bổ sung nguồn kinh phí đầu tư… 

Công chức Sở Y tế ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ

Dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu

Khoảng 4 năm gần đây, cổng thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc một số lĩnh vực: đăng ký kinh doanh; cấp chứng chỉ hành nghề y, dược; cấp giấy phép xây dựng… Trên thực tế, các dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Anh Đào Duy Công, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Trên cổng TTĐT tỉnh, các dịch vụ này chỉ dừng ở việc tra cứu thông tin chứ chưa thể giúp tôi điền và gửi các mẫu văn bản đến cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc thanh toán lệ phí giao dịch qua mạng”. Gọi là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng 100% dịch vụ chỉ dừng ở mức độ 2, chưa cho phép người sử dụng giao dịch thanh toán lệ phí, in mẫu văn bản, nhận kết quả thủ tục hành chính (TTHC)… qua mạng. Không những thế, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế cả về số lượng, mới chỉ dừng ở con số 14 dịch vụ.

Bên cạnh đó, hệ thống một cửa hiện đại đã và đang được đầu tư, nâng cấp đến 13 cơ quan, đơn vị hành chính. Hệ thống được trang bị đồng bộ các hạ tầng CNTT gồm: màn hình cảm ứng, hệ thống đọc mã vạch, hệ thống gọi tự động, ghế chờ… Khi ứng dụng phần mềm, người thực hiện TTHC chỉ việc nhấn nút tra cứu trên màn hình cảm ứng hoặc tra cứu tiến độ giải quyết TTHC qua máy đọc mã vạch.

Trên thực tế chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng hiệu quả, còn tại các cơ quan, đơn vị còn lại thì phần mềm không phát huy tác dụng. Ông Hoàng Minh Tuyền, Phó Trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết: Nguyên nhân của tình trạng này do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm triển khai ứng dụng. Công dân còn hạn chế về trình độ CNTT và chưa mặn mà sử dụng hệ thống.

Cần giải pháp đồng bộ

Để khắc phục những hạn chế trên đây và đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Đồng bộ ở đây chính là sự chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, đồng bộ trong cấp kinh phí đầu tư hạ tầng CNTT. Được biết, số kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT hằng năm chưa tương xứng với thực tế. Từ năm 2015 đến nay, nguồn kinh phí được cấp cho hoạt động này là 15,5 tỷ đồng, thực tế, số tiền cần đầu tư triển khai ứng dụng cao hơn nhiều lần. Lấy ví dụ, mặc dù dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được cung cấp nhưng do kinh phí hạn chế nên phần cứng CNTT chưa đạt yêu cầu, chưa phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ứng dụng CNTT, hiện đại hóa hành chính là khâu quan trọng. Nếu không làm được như vậy dẫn đến tình trạng hạ tầng CNTT được đầu tư nhưng không đưa vào ứng dụng, “đắp chiếu” một chỗ gây lãng phí. Nhà nước tốn kém chi phí đầu tư; người dân, doanh nghiệp tốn chi phí, công sức, thời gian thực hiện TTHC. Ông Bùi Đức Trung, Trưởng Phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, chỉ cần thực hiện tốt những giải pháp trên sẽ khắc phục được tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực ứng dụng CNTT của tỉnh.

Theo kết quả Bộ Nội vụ công bố chỉ số xếp loại CCHC: năm 2012, điểm ứng dụng CNTT của Lạng Sơn đạt 4/9,5 điểm; năm 2013 đạt 6,88/9,5 điểm; năm 2014 đạt 7,89/9,5 điểm; năm 2016 giảm xuống chỉ đạt 1,75/4 điểm. Về chỉ số hiện đại hóa hành chính, năm 2012, Lạng Sơn xếp thứ 16; năm 2013 xếp thứ 21; năm 2014 xếp thứ 17; năm 2015 xếp thứ 25; năm 2016  xếp thứ 49/63 tỉnh, thành. 
MINH ĐỨC