Thứ hai,  08/07/2024

Nâng ý thức để giảm tai nạn đường sắt

LSO-Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn Lạng Sơn xảy ra tới 13 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 12 người chết, 2 người bị thương.

LSO-Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn Lạng Sơn xảy ra tới 13 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 12 người chết, 2 người bị thương. Đáng chú ý  phần lớn nạn nhân trong các vụ tai nạn đều là người dân địa phương. Thực tế này cho thấy người dân sống tại các địa bàn có đường sắt đi qua vẫn chủ quan, không tự bảo vệ mình trước nguy cơ TNGT đường sắt.

Học sinh trên địa bàn xã Yên Trạch (Cao Lộc) đi học về trên tuyến đường sắt Hà – Lạng

Nhiều người dân xã Tân Liên, Yên Trạch (Cao Lộc) chưa quên vụ TNGT thương tâm xảy ra trên tuyến đường sắt Yên Trạch-Na Dương hồi đầu tháng 4 vừa qua. Vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 1/4, tại km5+558 tuyến Yên Trạch-Na Dương, ông Lương Văn Đinh, 42 tuổi, trú tại thôn Pò Cháu, xã Yên Trạch đi bộ trên đường sắt, do không chú ý quan sát đã bị tàu chở hàng cán phải dẫn đến tử vong. Điều đáng nói nạn nhân không phải người từ nơi khác đến mà là người địa phương, biết rõ những hiểm nguy có thể xảy đến khi đi bộ trên đường sắt nhưng chỉ một phút chủ quan, sơ sểnh đã phải trả giá bằng tính mạng của mình.

Ngoài vụ TNGT này, thời gian qua, trên địa bàn Lạng Sơn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn tương tự mà nạn nhân sinh sống ở ngay địa bàn nơi có tuyến đường sắt đi qua và nguyên nhân là người bị nạn đi, đứng trên đường sắt, khi tàu đến gần không chú ý quan sát nên bị tàu đâm va, thậm chí có cả trường hợp say rượu, ngủ quên trên đường tàu. Điển hình phải kể đến 2 vụ TNGT đường sắt liên tiếp trên tuyến đường sắt Hà – Lạng trong ngày 7/7/2011 làm 2 người chết (chỉ cách nhau có vài giờ và địa điểm xảy ra tai nạn chỉ cách nhau vài km): vụ thứ nhất tại km 168+425 lúc 16 giờ 50 phút và vụ thứ hai tại km 159+969 lúc 19 giờ. Nạn nhân trong 2 vụ tai nạn đều là người địa phương, bất cẩn đi trên đường sắt và bị tàu đâm phải. Hay như vụ tai nạn xảy ra hồi 11 giờ 28 phút ngày 13/11/2012 tại km 155+20 đường sắt Hà – Lạng: một cặp vợ chồng ngồi trên xe mô tô băng qua đường sắt, do không chú ý quan sát đã bị tàu cán chết.

Lạng Sơn hiện có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài gần 124km đi qua 5 huyện, thành phố: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng và TP Lạng Sơn. Tại các địa bàn này, đường sắt chạy qua nhiều khu dân cư, từ đó hình thành những đường ngang giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Ngoài việc đi lại trên đường ngang, người dân ở địa bàn có đường sắt chạy qua còn có thói quen đi dọc đường tàu để ra chợ, đến trường, thăm thân … Chính điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Đặc biệt, một số địa phương còn diễn ra tình trạng người dân sử dụng goòng tự tạo chạy trên đường sắt, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu. Tuyến Yên Trạch-Na Dương là một ví dụ. Trên tuyến đường sắt dài gần 30 km này, trung bình mỗi ngày có 4-5 chuyến tàu hàng chạy qua, tuy nhiên tàu hoạt động không theo quy luật (thời gian không cố định). Trong khi đó, do hạ tầng giao thông còn thấp kém, phần lớn người dân các xã có đường sắt chạy qua thường đi lại, thông thương dọc đường sắt, đặc biệt đoạn Yên Trạch-Tân Liên, người dân sử dụng goòng trượt trên đường ray để vận chuyển hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng. Anh Vũ Văn Toàn, Cung trưởng Cung đường sắt Tân Liên cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, tuy nhiên do thói quen, bà con vẫn thường xuyên đi lại trên đường tàu. Cung đường sắt Tân Liên hiện đang tồn tại 5 đường ngang, trong đó chỉ có 1 đường ngang hợp pháp (có biển báo, không có người gác), 4 đường ngang còn lại là bất hợp pháp nên nguy cơ mất ATGT là rất cao. Theo anh Hoàng Văn Sang, Trưởng Công an xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, một khó khăn đối với công tác đảm bảo ATGT đường sắt chính là việc người dân địa phương chủ quan với sự an toàn của mình, trong khi đó tàu lại hoạt động không theo giờ cố định nên bà con cứ vô tư đi, đứng trên đường ray, băng qua đường sắt bất kể lúc nào. Chính từ sự chủ quan này mà cách đây chưa lâu, một học sinh trên địa bàn xã qua đường sắt không chú ý quan sát đã bị tàu kẹp gãy chân. Theo quy định, đường sắt là đường độc đạo, khi xảy ra TNGT thì lỗi không thuộc về ngành đường sắt và nạn nhân không được bồi thường ngay cả trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng.

Bởi vậy, theo trung tá Nguyễn Quốc Hồng, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, điều cần nhất là người dân khi tham gia các hoạt động liên quan đến giao thông đường sắt phải tuyệt đối chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt: “Cấm đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt đang tuần đường hoặc đang sửa chữa, bảo trì đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt”, luôn có ý thức cảnh giác, chú ý quan sát mỗi khi có tàu đến gần. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, chú trọng tuyên truyền đến các trường học, khu dân cư dọc đường sắt để nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa TNGT.

BẢO VY