Thứ sáu,  20/09/2024

Làm giàu từ đặc sản quê hương

LSO- Hương vị thơm ngon, cay nồng của đặc sản măng ớt Lạng Sơn đã giúp gia đình bà Trần Thị Thuận, thôn Khun Thúng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng trở nên giàu có.

Gần trưa, trong cái nắng chang chang của tháng 7, chúng tôi đến xã Quang Lang hỏi thăm gia đình bà Trần Thị Thuận – người phụ nữ mới được huyện Chi Lăng biểu dương điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế. Ở xã Quang Lang, hầu như ai cũng biết bà Thuận và gọi là bà “Thuận măng ớt” nên chỉ sau một lần hỏi đường chúng tôi đã tìm thấy nhà bà.

Tuy đã hơn 11 giờ mà tại khu vực chế biến măng ớt của gia đình bà Thuận, những người làm công vẫn đang tất bật thái măng, thái ớt. Bà Thuận vui vẻ cho biết: gia đình làm măng ớt để bán hơn 10 năm nay. Ban đầu, chủ yếu là bán ngay tại địa phương, nhưng khi quốc lộ 1A được xây dựng, du khách đến với Lạng Sơn ngày một đông, thương hiệu măng ớt của Lạng Sơn được cả nước biết đến, trong đó có măng ớt của huyện Chi Lăng. Từ đó, gia đình đã đăng ký nhãn hiệu măng ớt Thu Thảo và đầu tư sản xuất số lượng lớn. Nhờ chất lượng thơm ngon, uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm măng ớt của gia đình bán được ngày càng nhiều, không chỉ ở trong tỉnh mà còn sang các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang.

 

Bà Thuận giới thiệu sản phẩm măng ớt do gia đình sản xuất

Những năm gần đây, trung bình mỗi vụ măng, gia đình bà Thuận thu mua hơn 30 tấn măng tươi, 5 tấn ớt quả, trở thành đầu mối tiêu thụ ổn định cho các hộ trồng măng và ớt ở các thôn lân cận. Cùng với đó, gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động phổ thông với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Sản xuất măng ớt đem lại cho gia đình bà Thuận thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng/vụ. Có vốn, gia đình bà tiếp tục đầu tư cải tạo khu vườn đồi rộng 5.000 m2 và trồng 500 cây bưởi Diễn. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và chăm sóc tốt, vườn bưởi Diễn của gia đình phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao. Trước năm 2010, mỗi năm gia đình bà thu khoảng 50 triệu đồng từ bán quả bưởi. Từ năm 2011 đến nay, cùng với bán quả, gia đình bán thêm cây giống từ chiết cành và ươm hạt, trung bình mỗi năm thu 200 triệu đồng.

Ông Vi Văn Sẹc, Chủ tịch UBND xã Quang Lang cho biết: hộ bà Thuận thuộc diện khá giả nhất nhì của xã. Bản thân bà Thuận luôn là hội viên Hội Nông dân tích cực, không ngại chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình với bà con trong xã. Vừa qua, bà được huyện biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2011 – 2015 về phát triển kinh tế gia đình. Tới đây, xã sẽ lấy mô hình kinh tế nhà bà Thuận làm điểm để nhân rộng.

Bài, ảnh: ANH DŨNG