Thứ sáu,  20/09/2024

Nội lực ở xã Hoàng Văn Thụ

LSO- Trong số các xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới năm 2015, Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng) là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (xã vùng III). Dẫu vậy, cái khó khăn đặc thù không ngăn được quyết tâm trở thành xã nông thôn mới của nhân dân trên quê hương cách mạng.

Còn Lạn hiến đất

Xóm Còn Lạn, thôn Thuận Lợi xiêu xiêu những nóc nhà ven sườn đồi. Khá gần trung tâm xã, nhưng Còn Lạn bị chia cắt bởi khe suối và những con đường đất bé tẹo, bởi thế cuộc sống nơi đây còn nhiều vất vả.

Bà Hoàng Thị Thắng cười phúc hậu: mấy tháng trước, biết nhà nước có kế hoạch đầu tư tuyến đường bê tông Nà Già – Pắc Hay, phần lớn đi qua xóm. Bà con trong xóm mừng lắm, đường nông thôn mới đến đâu, bà con hiến đất đến đó.

Tuyến đường qua đồi nhà bà Thắng nhiều nhất, chiều rộng phải bạt vào bốn mét, còn chiều dài ước chừng hơn ba trăm mét. Bà Thắng kể: cũng xót lắm đấy, còn phải chặt cả hơn trăm cây bạch đàn nữa, nhưng xây dựng nông thôn mới là việc lớn, cả làng, cả xã hưởng, nghĩ vậy cả nhà thống nhất hiến đất làm đường.

Còn Lạn lắm đồi mà cũng nhiều ao. Đường mở cắt qua tới 13 bờ ao của người dân. Vậy là rút nước, thu hẹp ao cho đội thi công kè bờ, người Còn Lạn không ai suy tính.

Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đường chuẩn nông thôn mới Nà Già – Pắc Hay đã thành hình. Những đường mương thoát nước mặt đường mỗi ngày một nối dài thêm; mặt đường rộng thênh chỉ chờ đổ bê tông. Người Còn Lạn hào hứng, nông thôn mới đã dần hình thành.

 

Thi công mương thoát nước tuyến đường Nà Già – Pắc Hay, xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng)

Phát huy nội lực

Ông Hoàng Quốc Khợ, Phó Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi: không phải chỉ riêng ở Còn Lạn mà khắp 11 thôn, bản toàn xã đều hưởng ứng mạnh mẽ phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù xuất phát điểm thấp, thời điểm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã còn trên 20%, nhưng triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động, củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân, xã Hoàng Văn Thụ đã phát huy tốt nội lực.

Xa xôi, khó khăn nhất như Khau Phạ, Cốc Mặn cũng không hiếm những gia đình hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng công trình công cộng. Theo thống kê chưa đầy đủ của xã, từ năm 2011 đến nay, nhân dân xã Hoàng Văn Thụ đã hiến gần 7.000 mét vuông đất, đóng góp trên 5.000 ngày công và hơn 2,4 tỷ đồng để làm giao thông, thủy lợi và các công trình công cộng khác. Một con số khổng lồ ở xã vùng III.

Các chương trình như nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển sản xuất… được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, toàn xã đã xây dựng được 4 công trình thủy lợi, kiên cố hóa trên 1.300 m kênh mương; xây dựng 127 nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời hàng chục chuồng trại… Từ đó góp phần hoàn thành các tiêu chí về thủy lợi và dần đạt tiêu chí về môi trường; hộ nghèo hiện nay chỉ còn 8,14%, giảm gần 13% so với năm 2011.

Từ xã vùng III, xuất phát điểm thấp, đến nay, Hoàng Văn Thụ đã đạt chuẩn 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí còn lại như: môi trường, hệ thống chính trị, thu nhập đã cơ bản gần đạt. Phó Bí thư Đảng ủy Hoàng Quốc Khợ khẳng định quyết tâm: chỉ còn cách đích một chặng ngắn nữa thôi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Văn Thụ phấn đấu đến khoảng tháng 10 tới này sẽ hoàn tất các tiêu chí còn lại để các đơn vị đến thẩm định.

Các công trình đầu tư lớn như trường học, chợ, đường giao thông… cũng đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí về trường học; điện; cơ sở vật chất văn hóa; chợ. Qua đó càng củng cố quyết tâm xã Hoàng Văn Thụ trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG