Thứ sáu,  20/09/2024

Xây dựng nông thôn mới trên quê hương Xứ Lạng

LSO- 5 năm không phải là một chặng đường dài. Đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) mà tính chất của nó được coi như một cuộc cách mạng thì thời gian 5 năm ấy mới chỉ là chặng đường đầu. Thế nhưng, Lạng Sơn đã có nhiều bước tiến quan trọng, là nền tảng để tạo sức bật cho nông thôn Xứ Lạng.

Xây dựng nhà văn hóa thôn ở xã Tú Đoạn (Lộc Bình)

Là một tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm thấp lại khởi động chương trình NTM trong bối cảnh bộn bề khó khăn từ những tác động chung của tình hình thế giới và trong nước. Bởi vậy từng bước đi, cách làm đều phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tháng 8/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20 về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010-2020.

Theo đó, Văn phòng Điều phối đã được thành lập thay thế cho Văn phòng Ban chỉ đạo. UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ chương trình như: hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn; các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển nông lâm nghiệp… phân công cho các ban, ngành, thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các huyện, xã và các tiêu chí theo từng lĩnh vực.

Với sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những khó khăn dần được nhận diện, hệ thống giải pháp cụ thể cũng được đề ra. Các kế hoạch triển khai ngày càng cụ thể, lộ trình, địa bàn được xác định chi tiết. Từ chỗ chỉ có các ngành tham gia thì sau đó các tổ chức đoàn thể cũng vào cuộc mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng tới quần chúng nhân dân. Thành công lớn nhất của Lạng Sơn trong 5 năm qua là NTM đã thực sự là cuộc vận động toàn xã hội.

 

Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình phát triển sản xuất tại xã Mai Pha (TP. Lạng Sơn)

Trong tổng kinh phí trên 8,9 nghìn tỷ đồng huy động từ mọi nguồn lực cho xây dựng NTM trong 3 năm qua, nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp trực tiếp được trên 303 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức cũng góp phần quan trọng với hơn 1 nghìn tỷ đồng đóng góp. Tổng mức xã hội hóa chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20%.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân trong toàn tỉnh đã tự nguyện hiến trên 1,27 triệu mét vuông đất để củng cố hạ tầng nông thôn. Nhân dân đã chung sức đóng góp tới 2 triệu ngày công, mở mới và bê tông hóa trên 1,5 nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn. Các ban, ngành đoàn thể trong toàn tỉnh tích cực tham gia với rất nhiều các mô hình thiết thực như thắp sáng đường thôn; 5 không 3 sạch; bảo vệ môi trường; kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ…

Ngành NN&PTNT phát động cán bộ, viên chức, người lao động ủng hộ phong trào nông thôn mới

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, bình quân 1 xã đạt 6,5 tiêu chí, tăng 3,93 tiêu chí so với năm 2011. Kết thúc năm 2014, Lạng Sơn đã có 2 xã đầu tiên đạt NTM và năm 2015 toàn tỉnh có 12 xã đăng ký đạt chuẩn. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Ban chỉ đạo tỉnh, kiêm Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM cho biết: các ngành, xã đăng ký đều quyết tâm rất cao để đạt được kế hoạch đã đề ra, phấn đấu đến hết năm 2015, mỗi huyện trên địa bàn tỉnh có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM.

Những con số khái quát đã phản ánh khách quan kết quả quan trọng, khối lượng công việc khổng lồ trong công cuộc xây dựng NTM mà Lạng Sơn đã thực hiện trong 5 năm qua. Đó cũng là nền tảng để củng cố thêm quyết tâm của từng người dân đến các cấp, ngành. Trong đó bám sát quan điểm chỉ đạo của tỉnh là NTM phải thực chất, mà trong đó mỗi người dân – chủ thể của NTM phải được nâng cao về đời sống vật chất và tinh thần. Nông thôn hiện đại hơn, năng động hơn nhưng vẫn đậm đà bản sắc truyền thống.

Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG