Thứ sáu,  20/09/2024
Xây dựng nông thôn mới:

Chú trọng đến vùng khó khăn

LSO-Trong bối cảnh nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, chủ trương của tỉnh là phân bổ tập trung, không dàn trải. Tuy nhiên để đảm bảo sự phát triển đồng đều, năm 2016, ngoài việc lựa chọn các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn, Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới cũng đã lựa chọn cả những xã khó khăn để tập trung chỉ đạo điểm.
Cộng đồng doanh nghiệp tặng quà cho nhân dân xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập

Phát biểu tại cuộc họp thẩm định các xã nông thôn mới hồi cuối năm 2015 vừa qua, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh phân tích: nếu chỉ chú trọng lựa chọn các xã thuận lợi để tập trung đầu tư, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới thì khoảng cách giữa khu vực trung tâm và khu vực vùng sâu, vùng xa sẽ ngày càng cách biệt.

Trong giai đoạn 2011-2015, các xã được lựa chọn tập trung chỉ đạo cơ bản là những xã ở khu vực thuận lợi. Điều này là cần thiết trong giai đoạn đầu. Bởi giai đoạn này cần nhất là tập trung nguồn lực để tạo ra những xã nông thôn mới đầu tiên, từ đó rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm cho giai đoạn tiếp theo. Hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đây sẽ là những mô hình để các xã tiếp theo tham quan, học tập.

Bước sang năm 2016, Ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục lựa chọn 13 xã có điều kiện tương đối thuận ở 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để tập trung chỉ đạo, phấn đấu đến hết năm sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Song song với đó, Ban chỉ đạo tỉnh cũng lựa chọn 5 xã đặc biệt khó khăn (Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn; Cao Minh, huyện Tràng Định; Kiên Mộc, huyện Đình Lập; Vĩnh Yên, huyện Bình Gia và Hữu Lễ, huyện Văn Quan) để chỉ đạo điểm, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.

Qua rà soát, trong số các xã đặc biệt khó khăn này chỉ có xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan là “có điều kiện” hơn cả khi đã đạt được 6 tiêu chí. Các xã còn lại sàn sàn nhau ở mức 3-4 tiêu chí. Mỗi xã một đặc thù khác nhau, nhưng tựu chung lại ở các xã này, tất cả các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng, nhà ở, hộ nghèo, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường… đều chưa đạt.

Xét riêng đến mục tiêu đưa 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016 đã là nhiệm vụ rất nặng nề, mục tiêu này bằng kết quả của cả giai đoạn 2011-2015. Nhưng nhiệm vụ này chưa khó khăn bằng việc tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn. Kế hoạch đưa ra thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu rất lớn của tỉnh trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để có cơ sở lựa chọn và triển khai thực hiện, ngay từ những tháng cuối năm 2015, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, khảo sát ở các xã đặc biệt khó khăn và đã có kết luận, định hướng cụ thể đối với từng xã. Trong đó xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ trung tâm, trước hết cần có sự chuyển biến nhận thức từ lãnh đạo huyện, xã trong công tác chỉ đạo, điều hành; cán bộ, đảng viên phát huy vai trò đi đầu trong các lĩnh vực để từ đó tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới cho biết: đối với 5 xã đặc biệt khó khăn đã lựa chọn, các cấp, ngành sẽ tăng cường quan tâm, hỗ trợ, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và nhân rộng các mô hình, hình thức sản xuất có hiệu quả… đồng hành cùng với nhân dân vùng khó trong xây dựng nông thôn mới. Đây sẽ là động lực rất lớn để các xã đặc biệt khó khăn vươn lên trong xây dựng nông thôn mới, trong quá trình đó các cấp, ngành cũng sẽ rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để triển khai ở các xã tiếp theo.

VŨ NHƯ PHONG