Thứ sáu,  20/09/2024
Xây dựng nông thôn mới:

Khi nghị quyết đi vào cuộc sống

LSO-Tháng 8/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020. Với những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, nghị quyết đã thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn, được nhân dân đồng lòng hưởng ứng và nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo nên những phong trào sôi nổi, rộng khắp trên toàn tỉnh.
Nhân dân xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc chung sức bê tông giao thông nông thôn

Đầu năm 2011, qua rà soát theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong tổng số 207 xã, Lạng Sơn chỉ có 1 xã đạt 10 tiêu chí, 55 xã “trắng” tiêu chí. Lúc bấy giờ, tính bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 2,57 tiêu chí.

Xây dựng nông thôn mới khởi đầu với đầy rẫy những khó khăn, từ cơ sở hạ tầng, trình độ sản xuất, đến nhận thức của cán bộ, người dân, khả năng huy động nguồn lực… tất cả đều được nhận định là rất hạn chế. Tâm lý hồ nghi về tính thực tiễn của nông thôn mới bắt đầu xuất hiện, ngay cả ở một số thành viên của Ban chỉ đạo các cấp, một số lãnh đạo cơ sở.

Trong bối cảnh ấy, ngày 12/8/2011, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20 về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở tình hình thực tiễn, nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; đổi mới và xây dựng hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả; giải quyết các vấn đề về văn hóa- xã hội, môi trường, nâng cao đời sống của nhân dân; giữ vững an ninh trật tự, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở khu vực nông thôn. Kèm theo đó là hệ thống giải pháp triển khai thực hiện.

Ông Vũ Văn A, Trưởng thôn Đồn Vang, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng khẳng định: ngay khi triển khai, từng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết đều hợp với lòng dân; hơn 40 đảng viên trong chi bộ là nòng cốt vừa gương mẫu đi đầu đóng góp sức người, sức của cải tạo hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân cùng làm theo, tạo thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ.

Không chỉ ở Đồn Vang, nghị quyết số 20 nhanh chóng được tổ chức quán triệt ở tất cả các cấp, đến từng chi bộ, thấm đến từng đảng viên và lan tỏa đến quần chúng nhân dân. Con số thống kê cho thấy, từ khi ban hành đến nay, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã có trên 1.040 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; gần 5.000 hội nghị quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn đã được tổ chức…

Từ chỗ còn xa lạ, mơ hồ, đến nay nông thôn mới đã thành đề tài phổ biến nhất ở khu vực nông thôn, là mục tiêu trọng tâm của mỗi đảng bộ, chi bộ và là quyết tâm không chỉ của hệ thống chính trị mà còn là của mỗi người dân.

Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được kết hợp hiệu quả giữa chính sách hỗ trợ của nhà nước và nguồn lực từ nhân dân. Riêng về giao thông nông thôn, từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp hơn 2,9 triệu ngày công; gần 1,5 triệu mét vuông đất… cùng với nguồn lực hỗ trợ của nhà nước mở mới thêm được 404 km đường giao thông nông thôn, 1.347 km mặt đường trên các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng được kiên cố hóa… Hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, bưu điện, điện lưới… không ngừng được củng cố, đầu tư.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, qua đó bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất của người dân, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá, tỷ trọng hàng hóa trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp hiện chiếm trên 65%. Bước đầu xuất hiện những mô hình điển hình, những mối liên kết hiệu quả, bền chặt.

Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ được triển khai thực hiện có hiệu quả và từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Tổng huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ 2011 đến nay đạt 22.472 tỷ đồng, trong đó chi từ ngân sách Nhà nước là 15.090 tỷ đồng, huy động các nguồn vốn khác (tín dụng, doanh nghiệp, người dân) là 7.382 tỷ đồng. Thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn 15 dự án từ nguồn vốn phi Chính phủ nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 triệu USD, 16 dự án vốn đầu tư phát triển với tổng vốn đầu tư 1.296 tỷ đồng.

Từ xuất phát điểm thấp, hiện nay toàn tỉnh đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 7,4 tiêu chí, tăng 4,83 tiêu chí so với năm 2011 và không còn xã trắng tiêu chí.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: chặng đường đã qua để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm; trong thành công, cũng còn không ít những hạn chế, yếu kém… Hiện nay ngành đang tham mưu cho tỉnh sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20, đây sẽ là cơ sở để đưa ra các giải pháp triển khai phù hợp hơn trong giai đoạn mới; để nông thôn Xứ Lạng có sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững hơn nữa.

VŨ NHƯ PHONG