Thứ sáu,  20/09/2024
Xây dựng nông thôn mới:

Củng cố tiêu chí bưu điện

LSO-Tham chiếu với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cõ lẽ tiêu chí bưu điện (tiêu chí số 8) là tiêu chí dễ đạt đối với các xã, bởi trong những năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng được trên 130 điểm bưu điện văn hóa xã, cung cấp cả dịch vụ bưu chính và viễn thông. Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó thì các điểm bưu điện văn hóa xã vẫn chưa phát huy hết công năng của mình.
Tư vấn cho người dân lựa chọn các dịch vụ tại điểm bưu điện văn hóa xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn

Những ngày cuối tháng 6/2016, điểm thu hút nhất của phiên chợ xã Tân Tri (Bắc Sơn) không phải những xe hàng nông sản, vật tư nông nghiệp hay đồ gia dụng mà chính là điểm bưu điện văn hóa xã.

Vị trí ngay cạnh đường, nơi trung tâm chợ phiên, nhưng trước đây không mấy ai chú ý đến điểm bưu điện này, bởi giờ chẳng mấy ai gửi thư; thời của điện thoại di động cũng “khai tử” điện thoại bàn công cộng; rồi thì các dịch vụ viễn thông đến tận nhà… Có chăng, hàng tháng chỉ dăm người đến nhận lương hưu, hay ghé qua mua bảo hiểm xe máy.

Thế nhưng, từ ngày Bưu điện tỉnh đầu tư nâng cấp hạ tầng, đưa điểm bưu điện văn hóa xã Tân Tri thành điểm bưu điện văn hóa đa dịch vụ thì mọi việc khác hẳn. Bà Lộc Thị Nhói, thôn Vũ Thắng B phấn khởi: đa dịch vụ đúng là thuận tiện, giờ đến điểm bưu điện văn hóa xã thứ gì cũng có, từ gói xà phòng, chai dầu rửa bát cho đến bảo hiểm tự nguyện, tư vấn gửi tiết kiệm, vay tiền…

Ông Hoàng Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tri bộc bạch: tiêu chí bưu điện là một trong năm tiêu chí nông thôn mới mà xã đã đạt chuẩn. Thế nhưng từ khi xây dựng thành điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, thì nơi đây mới thực sự thu hút người dân, bởi hầu như mọi nhu cầu đều được đáp ứng; thu hút được người dân, điểm bưu điện văn hóa xã thực sự phát huy hết công năng, từ sử dụng dịch vụ người dân quan tâm đến các loại sách báo, chú ý đến những cách làm kinh tế hay, gương sáng điển hình và kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới…

Từ thực hiện thí điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ tại Vạn Linh (Chi Lăng) năm 2015, đến nay, Bưu điện tỉnh đã xây dựng được 6 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Ông Triệu Văn Sĩ, Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Bưu điện tỉnh cho biết: qua khảo sát, đánh giá tại những điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, trung bình hàng tháng các điểm này thu hút hàng nghìn lượt người dân đến sử dụng dịch vụ, đọc sách báo, truy cập Internet… Con số này cao hơn so với trước khi nâng cấp thành điểm đa dịch vụ rất nhiều lần.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: trong thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã nỗ lực đầu tư nâng cấp các điểm bưu điện văn hóa xã, chuẩn hóa thái độ, phong cách phục vụ khách hàng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cung cấp, phục vụ nhu cầu của nhân dân khu vực nông thôn.

Điểm bưu điện văn hóa xã kinh doanh đa dịch vụ chính là một trong những điểm nhấn quan trọng. Để có thể triển khai, Bưu điện tỉnh  đã khảo sát kỹ và trình Tổng Công ty Bưu điện ViệtNam. Kế hoạch từ nay đến cuối năm 2016, Bưu điện tỉnh sẽ xây dựng thêm 5 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, nâng tổng số lên 11 điểm trong toàn tỉnh.

Ngoài cung cấp dịch vụ truyền thông, đọc sách báo miễn phí, các điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ còn là điểm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; điểm thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện; tư vấn, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm; dịch vụ viễn thông, truyền hình; phân phối bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu… Những năm tiếp theo, Bưu điện tỉnh sẽ rà soát, nâng cấp các điểm còn lại, bám sát kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đây là việc làm thiết thực để củng cố, nâng cao tiêu chí nông thôn mới, điều quan trọng hơn là phục vụ thiết thực nhu cầu của cư dân nông thôn.

VŨ NHƯ PHONG