Thứ sáu,  20/09/2024

Cơ giới hoá nông nghiệp: Khởi nguồn từ những sáng chế giản dị

LSO-Vẫn cứ ngỡ tưởng cơ giới hoá nông nghiệp, công nghiệp- hoá hiện đại hoá nông thôn phải là một cái gì đó to tát, máy móc nặng nề. Nhưng thực chất, những sáng chế giản tiện, mang tính ứng dụng cao và phù hợp với nông thôn miền núi mới chính là khởi nguồn cho cơ giới hoá nông nghiệp Xứ Lạng.Tẽ ngô... sướng hơn cả ngồi chơiNói đến máy tẽ ngô, hiện nay có lẽ không còn mấy lạ lẫm đối với người nông dân Xứ Lạng, nhưng cách đây 7 năm thì câu chuyện đó lại khác. Là công chức nhà nước, nhưng hết giờ làm việc, ông Hoàng Văn Bát, Chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật lại về nhà ở tận Khánh Khê, huyện Văn Quan và cùng với gia đình làm nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, ông nhận thấy tẽ ngô để bảo quản và chế biến là công đoạn mất rất nhiều thời gian. Từ đó trong “ông chánh” đã hình thành một ý tưởng phải thiết kế một dụng cụ tẽ ngô, làm sao đảm bảo được tiêu chí đơn giản, gọn nhẹ, nhất là phải rẻ tiền....

LSO-Vẫn cứ ngỡ tưởng cơ giới hoá nông nghiệp, công nghiệp- hoá hiện đại hoá nông thôn phải là một cái gì đó to tát, máy móc nặng nề. Nhưng thực chất, những sáng chế giản tiện, mang tính ứng dụng cao và phù hợp với nông thôn miền núi mới chính là khởi nguồn cho cơ giới hoá nông nghiệp Xứ Lạng.
Tẽ ngô… sướng hơn cả ngồi chơi
Nói đến máy tẽ ngô, hiện nay có lẽ không còn mấy lạ lẫm đối với người nông dân Xứ Lạng, nhưng cách đây 7 năm thì câu chuyện đó lại khác. Là công chức nhà nước, nhưng hết giờ làm việc, ông Hoàng Văn Bát, Chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật lại về nhà ở tận Khánh Khê, huyện Văn Quan và cùng với gia đình làm nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, ông nhận thấy tẽ ngô để bảo quản và chế biến là công đoạn mất rất nhiều thời gian. Từ đó trong “ông chánh” đã hình thành một ý tưởng phải thiết kế một dụng cụ tẽ ngô, làm sao đảm bảo được tiêu chí đơn giản, gọn nhẹ, nhất là phải rẻ tiền. Nghĩ là làm, ông bắt tay vào mày mò, đo, vẽ rồi dựng một chiếc khung bằng sắt, lại dùng chiếc lốp xe đạp cũ, quấn cao su, gắn vào khung sắt, dẫn động bằng tay quay. Lúc ấy tổng giá thành thiết kế chiếc máy chỉ vào khoảng vài chục ngàn đồng. Vợ ông bảo: Suốt ngày cứ cặm cụi, sợ tốn tiền mà lại chẳng được việc gì. Nhưng sau khi sử dụng chiếc máy, bà đã phải thay đổi ngay ý kiến, hiệu quả đến không ngờ. Năng suất của máy lên tới 1 tạ ngô/giờ, trong khi đó lại hạn chế được rất nhiều những nhược điểm của các máy tẽ ngô trên thị trường, hạt ngô, lõi ngô không bị dập nát và khi tẽ, bắp ngô không cần phải phơi khô.

Ông Hoàng Văn Bát vẫn tiếp tục với những ý tưởng sáng chế mới phục vụ nông nghiệp.
Năm 2007, nhận thấy ở khu vực nông thôn, nhiều gia đình đã sử dụng mô tơ để quay máy tuốt lúa, ông quyết định nâng đời cho chiếc máy tẽ ngô. Vẫn khung sắt ấy, nhưng giờ đây lốp xe đạp thay bằng lốp xe máy và được dẫn động bằng chiếc mô tơ điện qua bộ phận giảm tốc. Với sự cải tiến này, chiếc máy có năng suất cao gấp 2-3 lần so với trước. Đồng thời khi tẽ ngô, máy lại phát ra sức gió làm mát, ông Bát cười tươi: Giờ công việc tẽ ngô, tôi giành phần làm hết, ngồi mát như điều hoà, tẽ ngô còn sướng hơn cả ngồi không.
Hái hoa hồi – Từ phức tạp thành đơn giản
Là người dân ở vùng đất hồi, gia đình ông Bát cũng có rừng hồi và công việc thu hái hoa hồi làm ông trăn trở nhất. Cây hồi cao, cành giòn, muốn thu hái phải leo trèo rất nguy hiểm, ông đã từng chứng kiến người trèo hồi bị ngã, có người mang tật suốt đời. Lại mày mò, lại nghiên cứu và cũng chỉ với những dụng cụ đơn giản như ống nhựa, lưới hái răng cưa, “ruột tượng” bằng vải… ông đã gắn kết lại thành dụng cụ hái hoa hồi rất hiệu quả. Người hái chỉ việc đứng dưới đất dùng dụng cụ thu hái, hoa hồi sẽ qua đường ống xuống “ruột tượng” và nhẹ nhàng rơi xuống túi hoặc bao tải mà người thu hái đã chuẩn bị sẵn, không những thế thu hái bằng dụng cụ này không làm ảnh hưởng đến lá và cành hồi. Đơn giản đến mức bất cứ người dân nào nhìn thấy cũng có thể làm được. Về giá thành cũng chỉ xấp xỉ như máy tẽ ngô. Từ một công việc nguy hiểm, nhờ dụng cụ của “ông chánh” đã trở nên đơn giản, hiệu quả hơn rất nhiều, sức lao động của người nông dân được giải phóng.
Với những sáng chế đó, ông Bát đã vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo”.
Chắp cánh cho sáng tạo
Ngoài ông Bát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn có một số sáng chế của nông dân mang tính ứng dụng thực tiễn cao như máy thái rau của ông Hoàng Văn Chủ, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn; máy cấy lúa 8 hàng của ông Mã Khợ, huyện Hữu Lũng… Điểm chung của những sản phẩm này là đơn giản, hiệu quả và rất rẻ tiền. Ông Bát tâm sự: Trong quá trình tìm tòi, tôi luôn cố gắng chọn những vật liệu rẻ tiền và sẵn có nhất để mọi người dân ai cũng có thể làm. Hầu hết những sản phẩm của họ đều mang tính phổ biến, phi thương mại. Đi đến đâu họ phổ biến đến đó, để các thành quả đó được sử dụng đại trà và chính từ những nhà sáng chế nông dân đó đã, đang tạo nên một phong trào thi đua lao động sáng tạo ở khu vực nông thôn, đó chính là khởi nguồn là một động lực mạnh mẽ của cơ giới hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, hiện thực hoá chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Lê Minh