Thứ sáu,  20/09/2024

Người nông dân vượt khó làm giàu

LSO-Anh Hứa Văn Thìn, thôn Tình Bó là người nông dân làm kinh tế điển hình trên địa bàn xã Thành Hoà, huyện Văn Lãng và là một tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu, có thu nhập hàng năm từ trồng trọt, chăn nuôi gần 60 triệu đồng. Không chỉ vậy anh còn giúp nhiều hộ nghèo trong thôn về vốn, kĩ thuật để cùng nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.Trước đây, kinh tế gia đình anh Thìn gặp rất nhiều khó khăn, lao động vất vả mà không tế khấm khá lên. Làm gì để gia đình thoát khỏi đói nghèo- luôn là vấn đề trăn trở đối với một người dân tộc Nùng như anh. Năm 2004, từ Dự án 661, trong khi mọi người còn ngần ngại chưa ai dám nhận đất trồng rừng thì anh đã mạnh dạn nhận trồng hơn 13ha đất trồng thông. Nhờ công chăm sóc, cũng như học kỹ thuật trồng nên diện tích thông hiện có của gia đình đều phát triển tốt. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trên diện tích đất lâm nghiệp còn trống của gia đình,...

LSO-Anh Hứa Văn Thìn, thôn Tình Bó là người nông dân làm kinh tế điển hình trên địa bàn xã Thành Hoà, huyện Văn Lãng và là một tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu, có thu nhập hàng năm từ trồng trọt, chăn nuôi gần 60 triệu đồng. Không chỉ vậy anh còn giúp nhiều hộ nghèo trong thôn về vốn, kĩ thuật để cùng nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Trước đây, kinh tế gia đình anh Thìn gặp rất nhiều khó khăn, lao động vất vả mà không tế khấm khá lên. Làm gì để gia đình thoát khỏi đói nghèo- luôn là vấn đề trăn trở đối với một người dân tộc Nùng như anh. Năm 2004, từ Dự án 661, trong khi mọi người còn ngần ngại chưa ai dám nhận đất trồng rừng thì anh đã mạnh dạn nhận trồng hơn 13ha đất trồng thông. Nhờ công chăm sóc, cũng như học kỹ thuật trồng nên diện tích thông hiện có của gia đình đều phát triển tốt. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trên diện tích đất lâm nghiệp còn trống của gia đình, anh Thìn tận dụng trồng thêm sắn, trồng hơn 200 cây mận đều đã có thu nhập mỗi năm gần 5 triệu đồng. Anh Thìn cho biết, năm 2005, anh đã vay vốn ngân hàng cộng thêm ít vốn của gia đình, anh đầu tư mua giống cá về bán cho người dân địa phương. Được hơn 3 năm thì anh đầu tư vào nuôi cá tại gia đình. Lúc đầu là một ao, sau đó, nhận thấy lãi từ chăn thả cá lớn, không tốn công nhiều, anh Thìn đào thêm một ao nữa. Thu nhập từ cá chưa được bao nhiêu, thì năm 2008, cơn bão số 4 đã làm trôi hết số cá trong ao, ước tính thiệt hại gần 7 tạ cá, tương đương hơn 15 triệu đồng. Không sợ thất bại, khó khăn, anh làm lại từ đầu, tiếp tục đầu tư nuôi cá. Hiện gia đình anh có hai ao, rộng trên 10 sào, với các loại cá chép, trôi, chắm, mè… Do biết áp dụng các biện pháp kĩ thuật chăn thả cá, cộng thêm công sức chăm sóc, cá của gia đình anh luôn cho năng suất cao, được nhiều người học tập và làm theo. Hàng năm từ chăn thả cá cũng đem về cho gia đình anh Thìn hơn 10 triệu đồng.
Ngoài việc trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn thả cá có hiệu quả, gia đình anh Thìn còn chăn nuôi được khá nhiều lợn. Trong chăn nuôi lợn, nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, nên chuồng nhà ăn lúc nào cũng ổn định từ 8-10 con. Một năm hai lứa, cho thu nhập ổn định trên 40 triệu đồng. Để phục vụ sản xuất, sinh hoạt và làm dịch vụ, anh Thìn đã đầu tư mua một máy sát, một máy cày… Từ mô hình vườn rừng kết hợp chăn nuôi, mấy năm gần đây, mức thu nhập của gia đình anh ổn định, bình quân gần 60 triệu đồng/năm. Từ số tiền đó, gia đình anh đã xây được nhà khang trang, rộng rãi, làm đường bê tông đến tận cổng nhà, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình…

Ông Hứa Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Hoà cho biết: Bên cạnh việc phát triển kinh tế, anh Thìn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất, cùng nhau xoá đói giảm nghèo. Với những cố gắng trong phát triển kinh tế, anh Thìn xứng đáng là gương làm kinh tế điển hình trên địa bàn xã Thành Hoà.

Phan Huy