Thứ sáu,  20/09/2024

Người tâm huyết với vốn cổ dân gian

LSO-Việc bảo tồn văn hóa các dân tộc theo Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII đang là vấn đề cấp thiết, nhất là khi các làn điệu dân ca như hát then, sli, mo, tào đang ngày càng bị mai một. Tại thành phố Lạng Sơn có một người tâm huyết, đang âm thầm làm công việc “giữ lửa”, lưu giữ vốn cổ dân tộc ở địa phương, đó là ông Hoàng Huy Ấm, 65 tuổi, hiện trú tại khối Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.Năm 1969, ông Hoàng Huy Ấm tốt nghiệp lớp trung cấp Âm nhạc Hà Nội và sau đó giảng dạy tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Năm 1992, ông trở lại Lạng Sơn và giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, sau đó làm Giám đốc thư viện tỉnh. Qua các vị trí công tác của mình, ông có dịp tìm hiểu, nghiên cứu, say mê, sưu tầm, cải biên, đặt lời và sáng tác ca khúc dựa trên các chất liệu dân gian địa phương. Nhiều mảnh đất đã in dấu chân ông, kể cả những vùng sâu, vùng xa...

LSO-Việc bảo tồn văn hóa các dân tộc theo Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII đang là vấn đề cấp thiết, nhất là khi các làn điệu dân ca như hát then, sli, mo, tào đang ngày càng bị mai một. Tại thành phố Lạng Sơn có một người tâm huyết, đang âm thầm làm công việc “giữ lửa”, lưu giữ vốn cổ dân tộc ở địa phương, đó là ông Hoàng Huy Ấm, 65 tuổi, hiện trú tại khối Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.
Năm 1969, ông Hoàng Huy Ấm tốt nghiệp lớp trung cấp Âm nhạc Hà Nội và sau đó giảng dạy tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Năm 1992, ông trở lại Lạng Sơn và giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, sau đó làm Giám đốc thư viện tỉnh. Qua các vị trí công tác của mình, ông có dịp tìm hiểu, nghiên cứu, say mê, sưu tầm, cải biên, đặt lời và sáng tác ca khúc dựa trên các chất liệu dân gian địa phương. Nhiều mảnh đất đã in dấu chân ông, kể cả những vùng sâu, vùng xa ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, ông tỷ mẩn nghiên cứu về văn hóa dân gian, tìm hiểu cách làm cây đàn tính từ các nghệ nhân. Sau những chuyến đi thực tế học hỏi, ông đã tích lũy cho mình vốn kiến thức sâu rộng về dân ca các dân tộc thiểu số và có nhiều tác phẩm văn hóa dân gian rất có giá trị, như: “Giải hạn”, “Quê hương”, “Câu hát duyên tình”, “Sắc xuân”, “Cháu Bác Hồ”… Từ những chất liệu văn hóa dân tộc như hát then, sli, mo, tào, ông đã kết hợp, đúc kết từ thực tiễn cuộc sống để sáng tác ra những lời ca, câu hát mang đậm chất giáo dục, nhân văn mà vẫn giữ nguyên giá trị bản sắc dân tộc. Điển hình như tác phẩm “Giải hạn”, từ chất liệu làn điệu hát then, phản ánh và tuyên truyền về tệ nạn nghiện hút ma túy. Có thể nói, những nỗ lực của ông không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, mà qua đó kết hợp các nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh hơn. Ông Ấm tâm sự: “Tuổi càng cao, càng thấy quỹ thời gian eo hẹp, tôi rất lo lắng vì nếu không bảo tồn vốn văn hóa, văn nghệ dân gian thì sẽ mất đi bao tài sản quý báu của cha ông”. Chính vì điều này, trong thời gian công tác cũng như đã nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian cho công tác truyền dạy cho lớp trẻ, và học trò của ông đã trở thành những diễn viên hát dân ca, có người trưởng thành, thành công trên con đường nghệ thuật như NSƯT Bích Hồng, NSƯT Hoàng Cúc, Phan Muộn… Hiện nay, ông đang giảng dạy cho nhiều lớp nghệ nhân hát dân ca, đàn tính ở huyện Văn Quan, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn.

Ghi nhận những công lao cống hiến của ông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng 3 bằng khen, Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích trong công tác xây dựng hội (1992-2002), cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trong, ngoài tỉnh. Mới đây, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca các dân tộc Lạng Sơn khóa I. Với thực trạng xã hội, làn sóng âm nhạc xô bồ, ngoại lai đang xâm nhập, thì những người “giữ lửa” như ông Hoàng Huy Ấm thật đáng trân trọng và ghi nhận.

Nguyễn Bá Thường