Thứ sáu,  20/09/2024

Hơn 30 năm cõng chữ lên miền sơn cước

LSO-Chị Nguyễn Thị Thịnh, giáo viên trên vùng cao Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, hơn 30 năm công tác cũng là hơn 30 lớp học trò được chị dìu dắt, trưởng thành. Đến nay, chị vẫn miệt mài cõng từng con chữ đến với các em học sinh nơi vùng cao này. Sinh ra và lớn lên tại huyện Bình Gia, sau khi tốt nghiệp Trường sư phạm Lạng Sơn năm 1978, chị về nhận công tác tại Trường tiểu học Mẫu Sơn. Lúc bấy giờ trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, 100% học sinh là dân tộc Dao, trong khi chị là người Kinh nên khó khăn lớn nhất đó là bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp với học sinh. Nhưng bằng lòng kiên trì, quyết tâm vượt khó để đem cái chữ đến với học sinh vùng cao, chị học nói tiếng dân tộc Dao, thường xuyên lội suối, băng rừng xuống các thôn đến từng gia đình vận động đồng bào cho con em đi học. Chị đã không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân bằng việc học hỏi đồng nghiệp, tham khảo sách báo, tích lũy kiến thức nhằm nâng...

LSO-Chị Nguyễn Thị Thịnh, giáo viên trên vùng cao Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, hơn 30 năm công tác cũng là hơn 30 lớp học trò được chị dìu dắt, trưởng thành. Đến nay, chị vẫn miệt mài cõng từng con chữ đến với các em học sinh nơi vùng cao này.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Bình Gia, sau khi tốt nghiệp Trường sư phạm Lạng Sơn năm 1978, chị về nhận công tác tại Trường tiểu học Mẫu Sơn. Lúc bấy giờ trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, 100% học sinh là dân tộc Dao, trong khi chị là người Kinh nên khó khăn lớn nhất đó là bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp với học sinh. Nhưng bằng lòng kiên trì, quyết tâm vượt khó để đem cái chữ đến với học sinh vùng cao, chị học nói tiếng dân tộc Dao, thường xuyên lội suối, băng rừng xuống các thôn đến từng gia đình vận động đồng bào cho con em đi học. Chị đã không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân bằng việc học hỏi đồng nghiệp, tham khảo sách báo, tích lũy kiến thức nhằm nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn để giảng dạy tốt hơn, chịu khó cải tiến phương pháp giảng dạy như đưa các hình ảnh minh họa, mô hình tự làm vào các môn học giúp các học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn. Với lòng say mê tận tụy với nghề và những nỗ lực phấn đấu của mình, chị luôn được đồng nghiệp và Ban giám hiệu nhà trường yêu quý, học sinh quý mến. Chị đã được UBND tỉnh tặng 2 bằng khen về tinh thần vượt khó hoàn thành nhiệm vụ năm học 1998 – 1999 và có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” năm học 1999 – 2000, nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Đối với những giáo viên giảng dạy ở vùng sâu vùng xa, chăm lo đầy đủ cho cuộc sống của bản thân và gia đình đã khó, vậy mà cô đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, dang rộng vòng tay yêu thương để cưu mang những học trò nghèo. Đến nay, cô đã nhận nuôi dạy 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì hiện đã có 1 em đã trở thành giáo viên, 1 em đang theo học Trường sư phạm I Hải Dương, 2 em đang học phổ thông.

Với hơn 30 năm công tác, chị Nguyễn Thị Thịnh đã thực sự trở thành một tấm gương về sự phấn đấu vươn lên không ngừng để những giáo viên khác noi gương, góp phần xây dựng đội ngũ “kỹ sư tâm hồn” của huyện Lộc Bình ngày càng đẹp.

Thanh Hương