Thứ sáu,  20/09/2024

Tỷ phú rừng nơi biên cương

LSO-Sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Tân Minh, hiện nay CCB Nông Văn Mậu sinh sống tại Kéo Phấy, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định. Năm 1982 hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với nghị lực của người lính không cam chịu đói nghèo, anh đã nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế gia đình; đến nay đã trồng được trên 300 ha rừng, thuộc địa bàn các xã: Đào Viên, Trung Thành,…góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc và từng bước làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.Thăm vườn cây tùng la hán của CCB Nông Văn Mậu Đứng trên đỉnh đồi lộng gió khu vực Khuổi Cọ, xã Đào Viên hướng tầm mắt về phía những đồi bạch đàn xanh tươi, trong câu chuyện về trồng rừng anh Mậu cho biết: Khu vực này anh trồng được gần 150 ha, ngày đầu nhìn vùng đất khô cằn sỏi đá, nói đến trồng rừng vợ anh là người đầu tiên phản đối, sau này thấy cây phát triển tốt chị mới hưởng ứng. Còn với anh, thế mạnh từ đồi rừng, làm giàu từ đồi rừng là...

LSO-Sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Tân Minh, hiện nay CCB Nông Văn Mậu sinh sống tại Kéo Phấy, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định. Năm 1982 hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với nghị lực của người lính không cam chịu đói nghèo, anh đã nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế gia đình; đến nay đã trồng được trên 300 ha rừng, thuộc địa bàn các xã: Đào Viên, Trung Thành,…góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc và từng bước làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Thăm vườn cây tùng la hán của CCB Nông Văn Mậu
Đứng trên đỉnh đồi lộng gió khu vực Khuổi Cọ, xã Đào Viên hướng tầm mắt về phía những đồi bạch đàn xanh tươi, trong câu chuyện về trồng rừng anh Mậu cho biết: Khu vực này anh trồng được gần 150 ha, ngày đầu nhìn vùng đất khô cằn sỏi đá, nói đến trồng rừng vợ anh là người đầu tiên phản đối, sau này thấy cây phát triển tốt chị mới hưởng ứng. Còn với anh, thế mạnh từ đồi rừng, làm giàu từ đồi rừng là hoàn toàn có cơ sở, bởi anh đã có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, nhận thấy cây bạch đàn rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng đất này. Để thực hiện được hoài bão của mình, anh đã bàn bạc thỏa thuận với các hộ gia đình ở địa phương có đất đồi chưa sử dụng cho thuê để trồng cây. Cùng với đó được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn của gia đình và vay thêm ngân hàng 850 triệu đồng để trồng rừng sản xuất. Năm 2006 anh bắt tay vào trồng rừng, đầu tiên là 3,2 ha cây keo, đến năm 2007 anh đã trồng được 33,5 ha bạch đàn, năm 2008 anh liên kết góp cổ phần trồng được 98 ha cây bạch đàn… đến nay tổng cộng anh đã trồng được trên 300 ha rừng. Dẫn chúng tôi đến khu rừng bạch đàn hơn 4 năm tuổi thuộc địa phận thôn Kéo Nạc xã Trung Thành với diện tích trên 100 ha, nhìn những cây bạch đàn vươn cao típ tắp dưới tán được phát dọn sạch sẽ, chuẩn bị đến tuổi khai thác, anh nhớ lại những năm về trước, khi đó vùng đất này còn hoang hóa, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, bà con chưa có điều kiện về vốn cũng như kiến thức phát triển kinh tế đồi rừng anh bảo: Phải bắt đồi rừng phục vụ đời sống của con người, phục vụ bà con, anh em dân tộc mình chứ…
Xuất phát từ tình yêu quê hương cộng với ý chí của một CCB, anh Nông Văn Mậu đã biến ước mơ của mình thành hiện thực, không những phủ lên dải đất biên cương một mầu xanh của rừng mà còn tạo công ăn việc làm cho con em trong vùng. Anh cho biết, vào vụ trồng rừng cũng như thời kỳ chăm sóc, có ngày anh phải huy động tới sáu, bảy mươi lao động, trả lương theo thời vụ. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động là con em của địa phương với thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Suy nghĩ đi đôi với hành động, anh Mậu được người dân nơi đây biết đến như một “thủ lĩnh” trồng cây gây rừng, biến những vùng đất khô cằn hoang hóa quanh năm thiếu nước xưa kia thành những rừng cây đem đến môi sinh mạch sống cho con người và có giá trị kinh tế cao. Với diện tích rừng mà gia đình anh đã dầy công tạo dựng, chỉ tính khiên tốn cũng trị giá vài tỷ đồng, anh nói vui “ thế này mà không có tiền tỷ thì còn gì để nói”. Cùng với trồng rừng anh còn trồng cây cảnh – cái nghề chơi lắm công phu, phải thuê người từ Nam Định lên để hướng dẫn kỹ thuật và tạo dáng. Với gần 1000 cây tùng la hán đang ở độ tuổi tạo dáng, anh đã xuất bán hơn 300 cây, bình quân mỗi cây 350 nghìn đồng, khách hàng đến mua tại vườn, cũng thu về hàng trăm triệu đồng.

Từ mô hình trồng rừng của CCB Nông Văn Mậu, hiện nay phong trào trồng rừng của các hộ gia đình trong vùng ngày càng phát triển mạnh, anh xứng đáng là CCB gương mẫu để mọi người học tập và noi theo. Ghi nhận những nỗ lực đó, anh được Hội CCB tỉnh chọn cử là đại biểu tham dự hội nghị biểu dương CCB có nhiều đóng góp trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm kinh tế giỏi do Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Thúy Đội