Thứ sáu,  20/09/2024

Một giáo dân làm kinh tế giỏi

Ông Ngô Quốc Toản sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc giáo gương mẫu thuộc xóm 2, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường (Nam Định). Năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng, người thanh niên gốc giáo lên đường tòng quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất cũng là lúc ông hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương. Tròn mười năm trong quân ngũ, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì.Về với đời thường, ông xoay xở đủ nghề từ làm thợ xây cho đến thợ mộc, cuộc sống không mấy dư dật. Thời bao cấp, địa phương nơi ông sinh sống có Hợp tác xã cơ khí, nhưng khi cơ chế thay đổi Hợp tác xã tan rã do không thích ứng kịp, thợ thuyền tản mát khắp nơi. Nhờ chủ trương của Nhà nước khuyến khích các hộ nông dân vay vốn, phát triển sản xuất, năm 1990, ông Toản khởi nghiệp nghề cơ khí với tài sản trong tay là một máy hàn và một máy cắt...

Ông Ngô Quốc Toản sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc giáo gương mẫu thuộc xóm 2, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường (Nam Định). Năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng, người thanh niên gốc giáo lên đường tòng quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất cũng là lúc ông hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương. Tròn mười năm trong quân ngũ, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì.
Về với đời thường, ông xoay xở đủ nghề từ làm thợ xây cho đến thợ mộc, cuộc sống không mấy dư dật. Thời bao cấp, địa phương nơi ông sinh sống có Hợp tác xã cơ khí, nhưng khi cơ chế thay đổi Hợp tác xã tan rã do không thích ứng kịp, thợ thuyền tản mát khắp nơi. Nhờ chủ trương của Nhà nước khuyến khích các hộ nông dân vay vốn, phát triển sản xuất, năm 1990, ông Toản khởi nghiệp nghề cơ khí với tài sản trong tay là một máy hàn và một máy cắt kim loại thủ công. Với bản lĩnh Anh Bộ đội Cụ Hồ, ông nghiên cứu học hỏi cho ra đời máy bóc vỏ lạc, máy trảy hạt ngô, nhưng lúc đó do cạnh tranh sản phẩm nên một số cơ sở trên địa bàn đã đánh cắp bản quyền sản xuất khiến công việc ông theo đuổi gặp muôn vàn khó khăn. Nhờ tính kiên định, chịu khó nghiên cứu và cải tiến sản phẩm, đến năm 1999, các mẫu mã máy phục vụ nông nghiệp do ông chế tạo thành công được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bước đầu có thương hiệu trên thị trường và được bà con nông dân chấp nhận. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng vùng miền núi Tây Bắc như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái cho đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về đặt hàng với số lượng lớn. Năm 2005, sản phẩm máy tách hạt ngô cả áo và máy tuốt vỏ lạc của ông Toản được xuất khẩu sang nước bạn Lào và Trung Quốc, công suất máy đạt từ 10 tấn đến 14 tấn/giờ. Năm 2006, ông Toản thành lập Công ty TNHH Toản Chung với cơ ngơi sản xuất rộng vài trăm mét vuông, thường xuyên thu hút sáu, bảy chục lao động trong, ngoài xã đến làm việc với mức lương trung bình từ 1,7 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng. Từ đó đến nay, mỗi năm công ty xuất ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 500 đến 700 máy phục vụ nông nghiệp, doanh thu đạt hơn 500 triệu đồng. Sản phẩm máy tách hạt ngô cả áo và máy tuốt vỏ lạc đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định năm 2007 và được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen.
Ngoài việc sản xuất, kinh doanh, ông Toản còn tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân phát động, nổi bật là phong trào thi đua giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông nhận giúp đỡ sáu hộ nông dân nghèo trong xã mỗi tháng 100 nghìn đồng và mỗi năm mỗi hộ ba tạ thóc. Ông còn quyên góp tiền xây dựng nhà tình nghĩa của địa phương và ủng hộ thường xuyên cho quỹ hỗ trợ nông dân trong xã Xuân Tiến. Đam mê nghiên cứu khoa học, năm qua ông Toản triển khai thành công đề tài sản xuất máy xử lý rác thải nông thôn và máy tách hạt ngô công suất lớn (20 tấn đến 30 tấn một giờ) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chính vì những thành tích đó, ông được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và T.Ư. Tháng 9 vừa qua, ông Toản vinh dự được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam mời tham dự hội nghị biểu dương các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại Thủ đô Hà Nội. Mong ước lớn nhất của ông là chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện mặt bằng để tiếp tục mở rộng sản xuất, bên cạnh đó cần điều chỉnh cơ chế vay vốn phát triển sản xuất với mức vay tương xứng với sự phát triển của hộ gia đình hiện nay.
Theo Nhandan