Thứ sáu,  20/09/2024

Một giám đốc thương binh giàu nghị lực

Ông Hồ Tuấn dành thời gian sau giờ làm việc để tra tìm danh sách liệt sĩ. Hồ Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Vĩnh Thịnh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1975, khi vừa tròn 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Hồ Tuấn đã viết đơn tình nguyện xung phong đi bộ đội bảo vệ Tổ quốc.Rời quân ngũ với những vết đạn vẫn găm đầy trên người, anh thương binh hạng 2/4 Hồ Tuấn (tỷ lệ thương tật 61%) quyết định gắn bó với mảnh đất Cao Bằng, nơi có người con gái Tày đã chờ đợi anh trong suốt những năm tháng chiến đấu. Năm 1980, anh chuyển về công tác tại Ban quản lý Hợp tác xã mua bán tỉnh Cao Bằng, đến năm 1992 thì nghỉ chế độ theo Quyết định 176. Đó là một giai đoạn khó khăn, khi vợ chồng anh không có công việc ổn định, không ruộng đất, ba đứa con nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn... Là trụ cột trong gia đình, anh đã bươn chải đủ nghề từ làm...

Ông Hồ Tuấn dành thời gian sau giờ làm việc để tra tìm danh sách liệt sĩ.
Hồ Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Vĩnh Thịnh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1975, khi vừa tròn 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Hồ Tuấn đã viết đơn tình nguyện xung phong đi bộ đội bảo vệ Tổ quốc.
Rời quân ngũ với những vết đạn vẫn găm đầy trên người, anh thương binh hạng 2/4 Hồ Tuấn (tỷ lệ thương tật 61%) quyết định gắn bó với mảnh đất Cao Bằng, nơi có người con gái Tày đã chờ đợi anh trong suốt những năm tháng chiến đấu. Năm 1980, anh chuyển về công tác tại Ban quản lý Hợp tác xã mua bán tỉnh Cao Bằng, đến năm 1992 thì nghỉ chế độ theo Quyết định 176. Đó là một giai đoạn khó khăn, khi vợ chồng anh không có công việc ổn định, không ruộng đất, ba đứa con nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn… Là trụ cột trong gia đình, anh đã bươn chải đủ nghề từ làm thuê đến “xe ôm”… để nuôi gia đình. Những lúc trái gió trở trời, vết thương trên đầu tái phát, sức khỏe sa sút, nhưng cũng không khuất phục được người thương binh Hồ Tuấn.
Luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Tuấn đã cùng gia đình vượt qua được giai đoạn khó khăn. Được sự giúp đỡ của đồng đội, bạn bè, năm 2000, ông đứng ra thành lập một tổ lao động gồm 20 công nhân, nhận lại một số công việc thi công các công trình giao thông và xây dựng cơ bản của địa phương. Từ những công trình nhỏ, tích lũy dần dần, ông đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: máy xúc, máy lu, máy nghiền, máy khoan… để thi công các công trình có quy mô lớn hơn. Năm 2008, doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hưởng ra đời, đã tạo việc làm cho hơn 400 lao động. Doanh nghiệp không chỉ cung cấp nhân công cho các đơn vị thi công, mà còn trực tiếp tham gia các công trình trọng điểm như: tham gia xây dựng hơn 100 cột mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt – Trung, tham gia làm đường phân giới cắm mốc. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông còn nhận thi công đường, cầu, cống trên địa bàn các huyện, thị xã trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn… Những năm qua, doanh nghiệp Tuấn Hưởng đều nộp cho ngân sách nhà nước mỗi năm hơn một tỷ đồng tiền thuế.
Ông Tuấn luôn tâm niệm, mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã hy sinh để giữ gìn mảnh đất quê hương. Đó cũng là điều thôi thúc ông nhận “gánh” trách nhiệm không chỉ với đồng đội, mà cả với những người thân của họ. Trong những lần họp mặt kỷ niệm ngày nhập ngũ, ông được gặp lại đồng đội của mình. Nhiều người thành đạt, nhưng cũng không ít người có gia cảnh khó khăn. Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của nhiều gia đình đồng đội cũ, ông Tuấn không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, mà còn đào tạo nghề cho con em họ và nhận vào làm tại doanh nghiệp của mình. Nhiều đồng đội trước chung một chiến hào, giờ lại được ông bố trí các công việc phù hợp trong doanh nghiệp của mình như: bác Bùi Đức Sạch (Yên Bái), bác Đỗ Xuân Tiền (Hà Nam), bác Phạm Ngọc Thạch (Yên Bái)… Nhiều bộ đội xuất ngũ ở các địa phương lân cận như Lạng Sơn, Lào Cai biết tiếng, cũng tìm đến để được ông giúp đỡ. Hiện nay, doanh nghiệp Tuấn Hưởng có hơn 40% số nhân công là con em thương binh liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ… được tạo việc làm ổn định, có mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Tuấn cho tôi xem danh sách nơi yên nghỉ các liệt sĩ đồng đội mà ông đã mất nhiều năm nay thu thập như một sự chia sẻ tri ân. Ông Tuấn tâm sự: Tôi đã lặn lội tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ để ghi lại tất cả các địa chỉ liệt sĩ người Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ (khi còn chưa tách tỉnh Hoàng Liên Sơn) đã hy sinh và cùng doanh nghiệp tổ chức lễ cầu siêu cho các linh hồn liệt sĩ, cầu mong các anh yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Ông còn cùng với một số gia đình liệt sĩ tổ chức tìm kiếm hài cốt ở vùng chiến trường xưa để đưa các anh về quê hương. Ông cũng là người tự tay cất bốc sáu hài cốt liệt sĩ về quy tập tại nghĩa trang quê nhà. Ông Tuấn kể: “Trong một chuyến đưa hài cốt đồng đội về lại với quê hương, hình ảnh người mẹ già lâu nay khô héo dường như hồi sinh, minh mẫn lại khi mẹ chạm tay vào hình hài dù không còn nguyên vẹn của người con trai mà mẹ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại. Điều đó đã thôi thúc tôi trong những chuyến lên đường tìm hài cốt đồng đội”. Ông Tuấn luôn mong mỏi, qua danh sách liệt sĩ được ông nhờ một đồng đội đưa lên trang blog, người thân của nhiều liệt sĩ lâu nay đang tìm kiếm biết được nơi an nghỉ của con em mình, để nếu có điều kiện các gia đình sẽ đón các anh về với thân tộc, với quê hương. Bên cạnh đó, ông cũng nhận phụng dưỡng đến hết đời cựu chiến binh Đàm Thị Dìn (phường Sông Bằng, thị xã Cao Bằng) có hoàn cảnh khó khăn, sống độc thân.
Công việc bận rộn, nhưng người cựu chiến binh Hồ Tuấn còn là Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh tổ 4 năng nổ, ở phường Sông Bằng (thị xã Cao Bằng). Với những đóng góp của mình và tham gia nhiều hoạt động từ thiện, giúp các gia đình chính sách, thương binh Hồ Tuấn đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được chứng nhận Doanh nhân làm theo lời Bác lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội; Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Theo Nhandan