Thứ sáu,  20/09/2024

Vươn lên từ đôi chân tật nguyền

LSO-Khi vừa mới chập chững biết đi thì cũng là lúc đôi chân của chị Phan Thị Hằng bị bại liệt. Mặc dù gia đình đã hết sức chạy chữa nhưng vẫn không thể hồi phục. Thế nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy tuyệt vọng hay mặc cảm về bản thân. Theo chị, mỗi người sinh ra đều có số phận riêng, không nên oán trách hay tủi phận làm gì, người ta chỉ hơn nhau ở giá trị của sự cống hiến, của lý tưởng sống cao đẹp. Phương châm sống tích cực đó bao năm nay đã giúp chị vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống, vươn lên trên chính đôi chân tật nguyền của mình.Chị Phan Thị Hằng nay 45 tuổi, ở cùng bố, mẹ trong ngôi nhà số 134, đường Trần Hưng Đạo, khối Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Chân chị bị bại liệt từ khi lên 3 tuổi, sau một cơn sốt kéo dài (sau này đi khám thì được kết luận là bị sốt bại liệt). Từ đó, cuộc sống tật nguyền khiến chị gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị...

LSO-Khi vừa mới chập chững biết đi thì cũng là lúc đôi chân của chị Phan Thị Hằng bị bại liệt. Mặc dù gia đình đã hết sức chạy chữa nhưng vẫn không thể hồi phục. Thế nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy tuyệt vọng hay mặc cảm về bản thân. Theo chị, mỗi người sinh ra đều có số phận riêng, không nên oán trách hay tủi phận làm gì, người ta chỉ hơn nhau ở giá trị của sự cống hiến, của lý tưởng sống cao đẹp. Phương châm sống tích cực đó bao năm nay đã giúp chị vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống, vươn lên trên chính đôi chân tật nguyền của mình.
Chị Phan Thị Hằng nay 45 tuổi, ở cùng bố, mẹ trong ngôi nhà số 134, đường Trần Hưng Đạo, khối Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Chân chị bị bại liệt từ khi lên 3 tuổi, sau một cơn sốt kéo dài (sau này đi khám thì được kết luận là bị sốt bại liệt). Từ đó, cuộc sống tật nguyền khiến chị gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực lớn lao, chị đã vượt qua tất cả để khẳng định mình trước gia đình, bạn bè và xã hội. Ngày còn đi học, thường thì anh trai cõng chị đi, cũng có khi chị tự lết đi đến trường, tan học lại lết về nhà. Khó khăn là vậy nhưng chị luôn duy trì tốt việc học trên lớp, khi về nhà, chị còn phụ giúp gia đình những công việc như quét dọn nhà, bán rau… Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình và sức khỏe nên chị chỉ học hết lớp 7. Từ năm 1990 đến nay, công việc chính của chị là bán nước giải khát tại chợ Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Thời gian đầu chị thường được bố đưa đi làm nhưng về sau chị đã tự đi được nhờ chiếc xe máy chế 3 bánh. Ông Phan Thanh, bố ruột của chị chia sẻ: Hằng bị tật nguyền từ bé, thiệt thòi đã trăm bề, vì vậy gia đình luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cháu. Để Hằng đi làm, thật sự gia đình không đành nhưng trước sự quyết tâm của cháu gia đình cũng đồng ý… Nhiều người thường xuyên qua lại khu chợ Chi Lăng đã không còn xa lạ gì hình ảnh một người phụ nữ tật nguyền nhưng hàng ngày vẫn đều đặn đến bán nước tại đây. Thái độ niềm nở cùng với cách tiếp chuyện cởi mở, khéo léo của chị đã tạo ấn tượng tốt đẹp với hầu hết những ai vào quán chị. Nhờ tích góp cùng với sự hỗ trợ của gia đình, năm 2006 chị đã xây được căn nhà cấp 4 gồm 3 phòng dành cho thuê trọ, mỗi phòng thu khoảng 6 trăm nghìn đồng/tháng. Nhờ đó, chị không những lo được cho bản thân mà còn đóng góp thêm cho thu nhập của gia đình.

Ông Vũ Quốc Hưng, khối trưởng khối Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng nhận xét: gia đình chị Hằng là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của khối cũng như của phường. Bản thân chị Hằng rất giàu nghị lực sống, nhiều năm qua chị còn là một trong những lao động chính trong gia đình. Ngoài ra, chị cũng luôn giữ lối sống tích cực, hòa đồng cùng với bạn bè, hàng xóm…

Hoàng Huấn