Thứ năm,  19/09/2024

Cảm phục nghị lực của cô gái liệt nửa người

Trong suốt cuộc trò chuyện với chị, tôi không hề thấy ở chị có một sự thất vọng nào, trái lại chị luôn vui vẻ, bằng lòng với những gì mình đang làm. Số phận không cho chị được đi lại, suốt hơn hai mươi năm qua chỉ nằm một chỗ trên giường, nhưng tạo hóa lại cho chị một đôi tay khéo léo, cùng với nghị lực phi thường của một người khao khát được làm việc, chị đã “đứng vững” được trên chính đôi tay của mình.

LSO-“Số phận đã không cho mình may mắn có được thân hình lành lặn như bao người khác, không thể bước đi bằng đôi chân nhưng vẫn còn đôi tay, mình không muốn thành người vô dụng, vì thế mình quyết tâm dùng đôi tay đó để thay thế cho đôi chân để vượt lên tất cả”. Đó là lời mở đầu cho câu chuyện về cuộc đời mình của cô gái tật nguyền Dương Thị Lựu ở xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.
Suốt hơn 20 năm nay, ở thôn Trí Yên, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, không còn ai xa lạ với hình ảnh của cô gái tật nguyền Dương Thị Lựu ngày ngày nằm trên giường miệt mài đan len để tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em, Lựu là con cả, sau chị còn có ba cậu em trai. Sở hữu một thân hình cân đối, làn da mịn màng và trắng hồng, thuở thiếu thời chị là mục tiêu theo đuổi của bao chàng trai. Thế nhưng cho đến tận bây giờ, khi đã bước sang tuổi 40, bạn bè cùng trang lứa đã có con lớn thì chị vẫn chưa thể có được mái ấm riêng cho mình. Tất cả cũng bởi số phận nghiệt ngã đã cướp của chị những bước chân vững chắc, để rồi từ một cô bé 17 tuổi, đang học cấp ba, chị phải từ bỏ những ước mơ còn dang dở ngay trên ghế nhà trường. “Khi đó mới bắt đầu học lớp 10, đang khỏe mạnh, bỗng nhiên chị bị đau nhức nửa người bên dưới, cứ tưởng do làm việc nhiều nên mệt thế thôi, chị chủ quan không thăm khám, không ngờ lại thành ra thế này, mà gia đình lúc đó nghèo lắm, đủ ăn là may lắm chứ tiền đâu mà chữa bệnh”- Chị Lựu chia sẻ. Chị Lựu sống trong một ngôi nhà sàn cũ kĩ với bố, mẹ chị đã mất, thêm đó người em trai cũng bị tật nguyền, hàng ngày phải dùng nạng gỗ mới đi được, gia đình người em trai thứ cũng không dư giả gì, vì thế hàng ngày mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều phải nhờ cậy vào người bố đã gần 60 tuổi. Khó khăn chồng chất khó khăn, chỉ dựa vào số tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng được 360 ngàn, chẳng thấm tháp gì, cũng đã có lúc chị thấy tuyệt vọng, nhưng rồi chị Lựu cố gắng vượt qua nỗi đau, nhớ lại những kiểu đan len đơn giản học lỏm được từ khi còn đi học, chị tự mày mò đan. Mới đầu là đan cái tất tay, cái khăn quàng, rồi tập đan áo, không những thế, chị còn tìm ra nhiều kiểu đan mới, đẹp và lạ mắt. Tiếng lành đồn xa, mới đầu chỉ có người trong làng, rồi người ngoài xã, thị trấn cũng mang len đến tận nhà thuê chị đan. Chị Lựu cho hay: người ta thuê đan một lạng len với giá 25 ngàn đồng, một cái áo đan hết 5 lạng len, một tháng đan cũng kiếm được khoảng 500 ngàn đồng, đủ để chi tiêu sinh hoạt cá nhân. Chị Dương Thị Hồng, người cùng làng cho biết thêm: chị Lựu đan rất đẹp, nên muốn chị ấy đan cho thì phải đặt sớm vì có rất nhiều người đặt trước rồi…Bây giờ đến nhà để mong được nhìn thấy chị rảnh rỗi cũng khó vì chị luôn tay đan áo, khăn, mũ… cho khách.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chị, tôi không hề thấy ở chị có một sự thất vọng nào, trái lại chị luôn vui vẻ, bằng lòng với những gì mình đang làm. Số phận không cho chị được đi lại, suốt hơn hai mươi năm qua chỉ nằm một chỗ trên giường, nhưng tạo hóa lại cho chị một đôi tay khéo léo, cùng với nghị lực phi thường của một người khao khát được làm việc, chị đã “đứng vững” được trên chính đôi tay của mình.

Dương Thị Khuyên