Thứ năm,  19/09/2024

Bác Khoát làm giàu từ chăn nuôi

LSO-Ở thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng có nhiều tấm gương vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế. Trong đó, điển hình là bác Lê Thế Khoát với nhiều cách làm khoa học, sáng tạo, cùng với sự chịu thương, chịu khó, bác Khoát đã rất thành công trong xây dựng mô hình chăn nuôi gà đồi và nuôi lợn thịt. Các hộ nông dân đến học tập kinh nghiệm chăn nuôi lợn của gia đình bác KhoátTừ năm 2007 trở về trước, cũng giống như bao hộ dân trong thôn, gia đình bác Khoát chủ yếu trồng chè, sắn và một số cây hoa màu khác nên quanh năm lam lũ.Trước thực tế đó, nhận thấy tiềm năng đất đồi sẵn có, vườn tược rộng rãi nên bác đã suy nghĩ, tìm cách thay đổi phương thức làm ăn sao cho có hiệu quả kinh tế hơn để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhận thấy việc nuôi gà đồi rất thích hợp với vùng đất nơi đây nên sau khi học hỏi được kinh nghiệm ở một số địa phương, năm 2007, bác và một số hộ dân trong thôn đã mạnh...

LSO-Ở thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng có nhiều tấm gương vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế. Trong đó, điển hình là bác Lê Thế Khoát với nhiều cách làm khoa học, sáng tạo, cùng với sự chịu thương, chịu khó, bác Khoát đã rất thành công trong xây dựng mô hình chăn nuôi gà đồi và nuôi lợn thịt.
Các hộ nông dân đến học tập kinh nghiệm chăn nuôi lợn của gia đình bác Khoát
Từ năm 2007 trở về trước, cũng giống như bao hộ dân trong thôn, gia đình bác Khoát chủ yếu trồng chè, sắn và một số cây hoa màu khác nên quanh năm lam lũ.Trước thực tế đó, nhận thấy tiềm năng đất đồi sẵn có, vườn tược rộng rãi nên bác đã suy nghĩ, tìm cách thay đổi phương thức làm ăn sao cho có hiệu quả kinh tế hơn để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhận thấy việc nuôi gà đồi rất thích hợp với vùng đất nơi đây nên sau khi học hỏi được kinh nghiệm ở một số địa phương, năm 2007, bác và một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà đồi. Thời gian đầu bác nuôi vài trăm con/1 lứa. Sau hơn 3 tháng, đàn gà được xuất chuồng, gia đình đã có thêm một khoản thu nhập đáng kể. Từ đó, bác mạnh dạn nuôi đến 1.000 con/lứa, 1 năm 3 lứa nối tiếp nhau. Có năm bác đã nuôi đến 2.000 con, rồi 3.000 con/lứa, đã thu được 150 triệu đồng lãi/năm. Bác Khoát chia sẻ: nuôi gà quy mô lớn, quan trọng nhất là phải làm chuồng trại thật cẩn thận, đảm bảo mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, chuồng phải thật sạch sẽ, có sàn trên cao, chất thải, phân gà ở dưới sàn phải được vệ sinh thường xuyên. Nuôi gà ở những quả đồi có độ dốc thoai thoải rất tốt vì sau mỗi trận mưa, các mầm bệnh sẽ được cuốn trôi, rửa sạch. Ngoài ra, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà cũng rất quan trọng và phải thực hiện tuần tự từng bước từ khi mới nhập gà con về cho đến gần thời điểm xuất chuồng… Ngoài nuôi gà, trong 3 năm trở lại đây, gia đình bác còn đầu tư hệ thống chuồng trại rất quy mô để chăn nuôi lợn thịt. Thời gian đầu gia đình bác nuôi 60-80 con/năm, rồi tăng dần lên trên 100 con đến 200 con/năm. Trong 2 năm gần đây, bình quân mỗi năm gia đình bác xuất chuồng 200 con lợn thịt. Trong chuồng gia đình bác lúc nào cũng có từ 30 – 50 con lợn thịt, 6- 7 con lợn nái để tự gây giống. Để đảm bảo vệ sinh, vừa tận dụng được chất thải, vừa tiết kiệm được chất đốt, bác đã đầu tư làm 2 hầm biôga. Vì vậy, cả trang trại chăn nuôi gà, lợn của gia đình đều rất quy mô, khoa học, đảm bảo vệ sinh. Thời gian gần đây, ngoài chăn nuôi, bác còn trồng thêm một số loại cây ăn quả như: trên 100 cây bưởi Diễn, táo…Từ chăn nuôi và trồng trọt, hàng năm trừ các khoản chi phí, gia đình bác đạt mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Mấn, Chủ tịch Hội làm vườn xã Đồng Tiến cho biết: bác Khoát không chỉ làm kinh tế giỏi, những kinh nghiệm có được trong chăn nuôi, trồng trọt đều được bác nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo để các hộ trong thôn và bà con nông dân các địa phương khác đến tham quan, học tập có thêm kinh nghiệm. Từ đó, về triển khai áp dụng chăn nuôi có hiệu quả tại địa phương.

Đức Anh