Thứ sáu,  20/09/2024

Chị Thuyến thoát nghèo

LSO-Đến xã Trấn Yên, một xã vùng III khó khăn của huyện Bắc Sơn, hỏi chị Thuyến, thôn Pá Chí, ai cũng biết vì chị là tấm gương trong hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo bằng chính nỗ lực của mình.

LSO-Đến xã Trấn Yên, một xã vùng III khó khăn của huyện Bắc Sơn, hỏi chị Thuyến, thôn Pá Chí, ai cũng biết vì chị là tấm gương trong hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo bằng chính nỗ lực của mình.

Sau những lời e ngại ban đầu, chị tâm sự: Năm 1993, lập gia đình khi vừa tròn 20 tuổi, nhà chồng đông anh em, ruộng nương ít nên rất khó khăn vất vả. Năm 2000, ra ở riêng, dựng tạm một túp lều tránh mưa tránh nắng, 2 vợ chồng sức dài vai rộng nhưng không một đồng vốn, không biết kiếm ăn như thế nào ở cái xã vùng III khó khăn nhất huyện Bắc Sơn, 3 sào ruộng của bố mẹ chia cho mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ do chỉ trông chờ vào nguồn nước trời, năm nào mưa thuận gió hòa thì  được khoảng 6 bao thóc, đủ ăn trong vòng 3 tháng, năm nào hạn hán thì đủ ăn 2 tháng thậm chí mất trắng, vợ chồng chỉ còn cách lên rừng kiếm củi bán để đong gạo ăn qua ngày. Sau gần 4 năm kiếm củi bán mua gạo đắp đổi qua ngày, đến năm 2004 gia đình chị được vay 3.000.000đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tín chấp của Hội Phụ nữ, 2 vợ chồng bàn đi tính lại và quyết định mua 2 con dê giống về nuôi vì quanh nhà là núi đá vôi không canh tác được nhưng có thể nuôi được dê. Từ 2 con dê giống, sau hơn 2 năm dê bắt đầu sinh sôi vì mỗi năm dê cái đẻ 2 lứa nên đến năm thứ ba gia đình chị đã bán bớt mấy con dê giống để lấy tiền thuê ruộng trồng thuốc lá, cấy lúa. Thuê được ruộng lại có chút ít vốn trong tay nên vợ chồng chị đã dốc sức làm lụng không biết mệt mỏi và đất đã không phụ công người, mỗi năm vợ chồng chị thu hoạch khoảng 1 tấn thuốc lá tương đương 40 triệu đồng, trên 2 tấn thóc với gần 10 triệu đồng. Thêm vào đó là đàn dê tiếp tục sinh sôi, đến năm 2012 được trên 40 con, nguồn thu từ dê giống, dê thịt cũng cho gia đình khoảng 20 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra gia đình chị còn nuôi thêm 2 con trâu để cung cấp phân bón, sức kéo và nuôi thêm gà, vịt để cải thiện đời sống. Đến nay gia đình chị đã mua thêm được 4 sào nương, 2 sào vườn trồng mỗi năm 1 vụ thuốc lá, 1 vụ ngô. Với sự nỗ lực của cả gia đình, sau 11 năm là hộ nghèo của xã vùng III khó khăn nhất huyện, năm 2012 gia đình chị đã được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Gặp chị trong mái nhà còn đơn sơ bởi tất cả mới đang bắt đầu, vợ chồng chị rất vui và cho biết đang gom góp để dựng một ngôi nhà sàn rộng rãi hơn và dự tính sang năm 2014, sau khi thu hoạch xong các loại hoa màu khoảng tháng 10 âm lịch, bán bớt đàn dê và 1 con trâu, gia đình chị sẽ dựng nhà mới.

Từ kinh nghiệm của chính gia đình mình, chị Thuyến tâm sự rất thật lòng: “Có được kết quả như hôm nay là nhờ gia đình tôi sử dụng các loại giống mới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế làm đúng thời vụ, chăm sóc kịp thời, nên các loại cây trồng trên đã cho thu hoạch năng suất cao cùng với sự động viên giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương đặc biệt là của Hội phụ nữ mà gia đình tôi có được như ngày hôm nay”.

Chia tay chị, trong lòng tôi vô cùng khâm phục người phụ nữ hay lam hay làm, chưa từng vượt qua khỏi luỹ tre làng, quanh năm với cái cuốc cái cày mà đã nỗ lực để thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Ở chị toát lên nét đẹp của người phụ nữ nông thôn đảm đang, chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm.

LƯU THỊ NGUYỆT