Thứ năm,  19/09/2024

Anh Mao làm giàu nhờ chăn nuôi gia súc

LSO - Từ chăn nuôi gia súc, nhiều hộ dân ở xã vùng ba Hữu Kiên, huyện Chi Lăng đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó tiêu biểu là hộ gia đình anh Nông Quốc Mao ở thôn Co Hương.

LSO – Từ chăn nuôi gia súc, nhiều hộ dân ở xã vùng ba Hữu Kiên, huyện Chi Lăng đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó tiêu biểu là hộ gia đình anh Nông Quốc Mao ở thôn Co Hương.

               

                           Anh Mao bên đàn trâu, bò của gia đình

Vừa đảm nhận vai trò là một chỉ huy trưởng Ban CHQS xã trong nhiều năm, anh Mao vừa là một nông dân giỏi, phát triển kinh tế khá từ mô hình chăn nuôi. Dắt đàn gia súc của mình vào chuồng sau một ngày chăn thả, người đàn ông đã chạc tuổi ngũ tuần ấy tâm sự với chúng tôi: trước đây gia đình anh rất khó khăn, chỉ trồng lúa trên mấy sào ruộng và chăn nuôi gà vịt, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi 5 đứa con ăn học, thiếu đói triền miên. Sau một thời gian tìm tòi, anh đã mạnh dạn vay vốn từ chương trình 120 về vay vốn giải quyết việc làm để chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi. Năm 2001, gia đình chỉ có vài cặp trâu, bò giống, nay đã phát triển thành đàn gia súc gồm cả trâu, bò, ngựa, dê lên tới hơn 50 con. Hàng năm cho xuất chuồng khoảng 5 con trâu, bò, 5 con ngựa và chục con dê tạo nguồn thu nhập cho gia đình trung bình trên 100 triệu đồng. Không những gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo, đủ chi phí trang trải cho các con ăn học mà còn sắm được chiếc ô tô tải để chở hàng hóa, phục vụ nhu cầu vận chuyển của các hộ dân trong thôn xã.

Để có được những thành tựu như hiện nay, gia đình anh đã gặp không ít khó khăn. Do địa hình xã Hữu Kiên núi cao hiểm trở, việc chăn thả gia súc hay xảy ra tai nạn, thi thoảng lại có con ngã xuống núi chết, tổn thất cả mấy chục triệu đồng, rồi những đợt rét đậm, rét hại, dịch bệnh hoành hành, đã nhiều lần khiến cho gia đình anh lâm vào cảnh khốn đốn. Tuy vậy, với quyết tâm cao không khuất phục trước khó khăn, gia đình anh đã ứng dụng những kinh nghiệm cũng như các kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, thực hiện những biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, tiêm phòng bệnh định kỳ, xây dựng chuồng trại kín gió, tránh rét về mùa đông để bảo tồn và phát triển được đàn gia súc như hiện nay.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi của gia đình anh Mao, chị Vi Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội nông dân xã Hữu Kiên cho biết: mô hình chăn nuôi của gia đình anh Mao là một trong những mô hình tiêu biểu của xã, nhờ chăm chỉ, cần cù, dám nghĩ dám làm gia đình anh đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Nhận thấy sự thành công của mô hình này, nhiều bà con trong thôn xã cũng học tập và phát triển tại gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.  Cũng nhờ những thành tích có được trong phát triển kinh tế, năm 2012 gia đình anh Mao đã được tặng danh hiệu là hộ nông dân làm kinh tế giỏi cấp huyện.

Bài, ảnh: Như Trang