Thứ năm,  19/09/2024

Anh Tuấn làm kinh tế giỏi

LSO-Về xã Quang Lang, huyện Chi Lăng hỏi thăm về anh Nguyễn Trí Tuấn - tấm gương sáng vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay trắng ngay trên quê hương mình thì rất nhiều người biết. Người ta biết đến anh không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Anh Tuấn hiện đang là cán bộ địa chính xã Quang Lang

Qua lời giới thiệu của Huyện đoàn Chi Lăng, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Trí Tuấn (1980), nguyên Bí thư Đoàn xã Quang Lang. Ấn tượng ban đầu của tôi khi gặp anh Tuấn là một người giản dị và vui tính, tạo được sự gần gũi ngay từ lần đầu gặp gỡ và tiếp xúc. Anh cho biết: Năm 1999 tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi không thể tiếp tục đi học cao hơn, tôi quyết định vào miền Nam làm thuê kiếm tiền để dành dụm vốn làm ăn trong tương lai. Sau 2 năm lăn lộn kiếm tiền ở đất Sài Sòn, trong tay có số vốn nho nhỏ, tôi trở về quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nhận thấy gia đình có đất đai rộng rãi phù hợp với mô hình vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, cộng với vốn kiến thức có được qua những lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và chăm sóc cây trồng, tôi đã mở rộng diện tích vườn na kết hợp chăn nuôi gà thả đồi với số lượng ban đầu 500 con.

Nghĩ thì dễ nhưng lúc bắt tay vào thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có kinh nghiệm thực tế về chăm sóc cây trồng và phòng trừ dịch bệnh cho gà nên lần đầu ra quân đã thất bại. Nhưng anh không nản lòng, anh tìm đến các mô hình kinh tế ở nhiều địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm. Với nghị lực và lòng quyết tâm, anh Tuấn quy hoạch lại chuồng trại chăn nuôi gà và tăng thêm số lượng đàn gà lên gần 1.000 con. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm bón vườn cây ăn quả đúng thời điểm. Hơn một năm sau, từ sản lượng của cây na, cây ngô và đàn gia cầm, gia đình anh đã thu nhập được từ 50- 70 triệu đồng/năm. Đến năm 2007, anh lập gia đình và ra ở riêng. Vào thời điểm này, anh nhận thấy hầu hết người dân trên địa bàn khi cưới thường sang các xã khác để thuê khung rạp và người nấu ăn. Hơn nữa, dịch vụ này chỉ cần đầu tư lúc ban đầu. Từ ý nghĩ đó, anh bàn bạc với gia đình và đã nhận được sự đồng tình của người vợ. Anh mạnh dạn chuyển đổi hẳn từ chăn nuôi, trồng trọt sang kinh doanh dịch vụ cho thuê khung rạp, bàn ghế, nhận nấu ăn hội nghị và đám cưới với tổng số vốn đầu tư ban đầu 250 triệu đồng. Anh Tuấn cho biết thêm: mới đầu mở dịch vụ, muốn cạnh tranh được với các hộ khác, mình phải cho thuê với giá rẻ hơn và nấu nướng phải có nhiều món ăn hơn cho khách lựa chọn. Đặc biệt là phải có chữ tín, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Một lần nữa thành công mỉm cười với anh, hàng năm thu nhập được khoảng 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 thanh niên trên địa bàn với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Anh Tuấn chia sẻ: để có được thành công như vậy là cả quá trình cố gắng học hỏi kinh nghiệm, cái quan trọng nhất là phải tìm hiểu kỹ về những vấn đề mình sắp làm và đến các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm. Hơn nữa, cần mạnh dạn thực hiện những kế hoạch mà mình đã đặt ra.

Có thể nhận thấy rằng, công việc của anh không những làm giàu cho gia đình và bản thân mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động thanh niên xã nhà. Bên cạnh đó, anh còn tham gia công tác xã hội, anh nguyên là Bí thư Đoàn xã Quang Lang, tích cực tham gia nhiều hoạt động Đội, Hội của xã cũng như huyện phát động. Năm 2013, anh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Giải thưởng nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những thanh niên nông thôn điển hình trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên và phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế – xã hội trong thời đại mới.

ĐĂNG THÙY