Thứ năm,  19/09/2024

Anh Pèo làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

LSO-Sinh năm 1969 trong một gia đình có 9 anh em, do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, sau khi học hết THPT (năm 1982) anh Pèo phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.

LSO-Sinh năm 1969 trong một gia đình có 9 anh em, do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, sau khi học hết THPT (năm 1982) anh Pèo phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Năm 1988, anh lên đường nhập ngũ, đến 1990 xây dựng gia đình, năm 1991 anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương làm kinh tế. Hai vợ chồng anh sống cùng bố mẹ, gia đình có trên 5 mẫu ruộng, song thu nhập thấp có lúc không đủ sinh hoạt hàng ngày.

Anh Pèo và đàn bò gia đình

Vào những năm 1998, nhận thấy việc sản xuất của bà con cần nhiều phân bón trong khi trên địa bàn xã không có đại lý nào bán phân bón, phải sang thị trấn Nông trường Thái Bình để mua, nên anh bàn với gia đình và quyết định đầu tư làm đại lý bán phân bón trong xã kết hợp bán hàng tạp hoá. Những năm 1999-2000, phong trào trồng rừng (trồng thông) trong xã bắt đầu phát triển. Do gia đình có diện tích đất rừng lớn (20 ha), gia đình anh tích cực trồng rừng được 10 ha thông. Sau đó, năm 2002, nhận thức được giá trị kinh tế rừng đem lại, gia đình anh tiếp tục trồng thông hết diện tích rừng còn lại. Đất không phụ công người, đến nay, rừng thông đã có 5 ha cho khai thác nhựa và đã cho thu nhập đáng kể. Năm 2012 từ nhựa thông thu gần 100 triệu đồng, trong 10 tháng năm 2013, thu được gần 80 triệu đồng.

Đặc biệt, nhận thấy trên địa bàn có đồng cỏ rộng, thuận lợi cho chăn nuôi gia súc, năm 2009 anh mạnh dạn đầu tư mua 6 con trâu, 18 con bò hết 107 triệu đồng về nuôi. Do có đồng cỏ rộng, chăn nuôi chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn trâu bò phát triển tốt. Từ 2011 đến nay, mỗi năm đàn trâu, bò sinh sản được khoảng 20 con bê, nghé con; cùng với đó, từ năm 2011, 2012 gia đình anh xuất bán trâu, bò thịt, mỗi năm bán từ 6 con đến 8 con, trung bình mỗi con từ 18 triệu đến 20 triệu đồng. Năm 2013, anh đang dự tính sẽ bán 8 con trâu bò, trị giá khoảng 150 triệu đồng. Đến nay, tổng đàn trâu, bò của gia đình anh lên tới gần 80 con, giá trị lên tới cả tỷ đồng. Hàng năm, từ mô hình kinh tế tổng hợp, trừ chi phí cũng cho gia đình anh thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng.

Anh Pèo được biết đến không chỉ là người làm kinh tế giỏi, mà anh còn tích cực tham gia công tác xã hội, là cán bộ văn hoá xã Thái Bình. Với điều kiện hiện có, anh luôn nhiệt tình giúp đỡ người dân trong xã về vốn để làm nhà, phát triển kinh tế không lấy lãi. Anh Pèo tâm sự: để có được thành quả như hôm nay, anh luôn cố gắng hết mình, luôn học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức mới để áp dụng trong thực tiễn.

Theo ông Bế Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã, mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Văn Pèo, Bản Piềng là mô hình kinh tế điển hình cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn giúp đỡ về vốn cho người dân trong bản cùng phát triển. Đồng thời, là cán bộ văn hoá xã, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

ĐỖ HOẠT