Thứ năm,  19/09/2024

A Múi: Bông hoa đẹp của núi rừng Mẫu Sơn

LSO-Đến xã biên giới, đặc biệt khó khăn Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, nhắc đến Đặng Thị Múi, sinh năm 1981, dân tộc Dao ở thôn Bó Pằm, mọi người trong xã đều kể về A Múi (tên gọi thân quen mà mọi người dành cho chị) với một niềm tự hào và cảm phục. Bởi nhờ năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, A Múi đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nơi còn rất nhiều khó khăn để các hộ dân nói chung, đội ngũ thanh niên trong xã nói riêng học tập.

A Múi kiểm tra, thăm rừng thông

Sinh ra và lớn lên ở núi rừng Mẫu Sơn, năm 2000 A Múi lập gia đình. Cùng với những khó khăn chung của xã là ruộng nương ít, thiếu nước sản xuất quanh năm nên nếu cứ trông chờ vào số ruộng ít ỏi thì đến gạo ăn cũng còn chưa đủ nói gì đến việc cải thiện đời sống. Đồi rừng có nhưng chăm chỉ trồng 4 ha rừng thông xong thì cũng phải đợi đến 15 năm sau mới được khai thác nhựa. Vì vậy, một mặt vừa tích cực trồng rừng, một mặt chị luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế.

A Múi tâm sự: Gia đình tôi có truyền thống nấu rượu từ lâu đời, vì vậy, từ cách chọn gạo, dùng men lá và sử dụng dòng nước mát đặc trưng của núi rừng Mẫu Sơn như thế nào để nấu được rượu có vị thơm ngon riêng – bí quyết của gia đình đã được tôi học hỏi, thuần thục cách làm và yêu thích nghề truyền thống từ nhỏ. Vì vậy, chị đã bàn với chồng phát triển nghề truyền thống, vừa góp phần tăng thu nhập, vừa giữ gìn được nghề truyền thống lâu đời của gia đình. Một, hai năm đầu, chị sản xuất mỗi năm từ 1.000 đến 2.000 lít rượu. Rượu của gia đình chị có đặc trưng thơm ngon riêng, nhiều người ưa chuộng nên tiếng lành đồn xa, khách hàng đặt mua rượu ngày càng nhiều và họ đặt tên cho rượu do gia đình chị sản xuất là rượu A Múi. Do vậy, rượu A Múi sản xuất ra đến đâu, bán hết đến đó, từ tiêu thụ 2.000 lít /năm, năm 2004 đến nay, mỗi năm gia đình chị sản xuất từ 9.000 đến 10.000 lít rượu. Khách hàng không chỉ là những người trong tỉnh mà nhiều tỉnh khác cũng tìm đặt mua.

Song song với phát triển, lưu giữ thành công nghề truyền thống, từ nhiều năm nay, chị còn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn với quy mô tăng dần. Ba năm trở lại đây, lúc nào nhà chị cũng nuôi từ 50 đến 60 con lợn, góp hần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ năm 2015, gia đình chị không chỉ có thu nhập từ nghề truyền thống và chăn nuôi mà 4 ha rừng thông gia đình chị dày công chăm sóc cũng đã cho khai thác nhựa. Vì vậy, hằng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị còn thu lãi trên 100 triệu đồng. Đây thực sự là một khoản thu nhập lớn đối với một xã đặc biệt khó khăn như Mẫu Sơn. Chị trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế của xã, của huyện Lộc Bình.

Điều mà mọi người khâm phục ở A Múi là song song với phát triển kinh tế, chị còn là thủ lĩnh đoàn thanh niên của xã, lãnh đạo đoàn viên thanh niên luôn xung kích đi đầu trong mọi hoạt động như: làm đường giao thông nông thôn, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế; nghiêm túc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phối hợp làm tốt công tác bảo vệ đường biên mốc giới, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, gìn gìn an ninh trật tự ở cở sở…

Ông Dương Trồng Mình, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: A Múi vừa làm kinh tế giỏi, vừa là bí thư đoàn xã năng nổ, nhiệt tình, gương mẫu trong công việc, sáng tạo trong các phong trào của đoàn. Các hoạt động của đoàn xã trong thời gian qua đã có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển của xã. Không những vậy, A Múi còn luôn gương mẫu trong mọi hoạt động cũng như trong cuộc sống, là tấm gương sáng để đoàn viên và nhân dân học tập.

ĐỨC ANH