Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu từ chăn nuôi lợn rừng

LSO-Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều đoàn viên thanh niên dám nghĩ, dám làm đã đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Chàng trai trẻ người Nùng Lý Văn Lịch, 23 tuổi, thôn Nà Múc, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc là một thanh niên như thế.

Anh Lý Văn Lịch chăm sóc đàn lợn rừng

Sau khi học xong lớp 12, Lịch tham gia nghĩa vụ công an. Đầu năm 2015, sau khi hết thời hạn nghĩa vụ, Lịch về quê phụ giúp gia đình làm công việc đồng áng. Cuộc sống mưu sinh vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao đã thôi thúc Lịch không ngừng suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế. Trong một lần tình cờ đọc được thông tin trên mạng về việc nuôi lợn rừng mang lại thu nhập cao của trang trại NTC (Hà Nội), Lịch đã quyết tâm thực hiện việc xây dựng trang trại nuôi lợn rừng khép kín trên hơn một mẫu đất ruộng của gia đình. Với số vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lịch đã mua 18 con lợn giống để gây đàn, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn đàn lợn đã bị bệnh và chết mất 12 con. Đối mặt với thất bại đầu tiên, Lịch tâm sự: “Khoảng thời gian đó tôi bị khủng hoảng trầm trọng, nhưng vì ước vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, tôi quyết định không bỏ cuộc và tiếp tục nghiên cứu trên sách báo, nhờ tư vấn từ các chuyên gia của trang trại NTC tìm ra nguyên nhân khiến đàn lợn chết, sau đó rút kinh nghiệm để chăn nuôi hiệu quả hơn”.

Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi, Lịch cho biết: “Tôi nuôi lợn rừng theo mô hình hoàn toàn khép kín. Điều khác biệt, đó là hệ thống chuồng phải được xây đúng kỹ thuật theo bản vẽ được hướng dẫn từ các chuyên gia của trang trại NTC, ngoài khu chuồng có mái che cần thêm một sân phơi quây bằng lưới sắt B40, tạo cho lợn rừng tiếp xúc với tự nhiên và ánh nắng ngoài trời. Thức ăn chủ yếu của lợn là cỏ voi, cây thuốc Nam do tôi tự trồng và các loại cám tự nhiên không chứa chất kích thích. Riêng chất thải tôi dùng để nuôi giun quế, loại giun này được đưa trở về làm thức ăn cho lợn. Ngoài ra một vấn đề rất cần lưu tâm là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sát trùng thường xuyên và tiêm vắc xin phòng, trị bệnh cho đàn lợn giống”.

Mô hình chăn nuôi khép kín đã giúp Lịch kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm và tăng đàn nhanh chóng, 6 chú lợn rừng sống sót đã được Lịch chăm sóc và phát triển lên thành 6 lợn sinh sản, 1 lợn đực giống nhập thêm từ trang trại NTC. Sau một năm nỗ lực và cố gắng, Lịch cho xuất chuồng 35 con lợn giống đầu tiên và thu về gần 100 triệu đồng, cứ sau 4 tháng Lịch lại có một lứa lợn từ 30 – 40 con, tháng 5 năm này Lịch chuẩn bị cho xuất chuồng thêm 44 con lợn giống.

 Dự định sắp tới, Lịch sẽ đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thêm hệ thống chuồng trại và hầm nuôi giun quế, mở rộng diện tích trồng cỏ voi và cây thuốc Nam phục vụ cho công việc chăn nuôi, hướng đến xây dựng hệ thống chăn nuôi với quy mô lớn, đáp ứng được cả nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Lịch còn truyền đạt kinh nghiệm cho bà con trong thôn về kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng góp phần phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Anh Hoàng Trương Điển, Bí thư Đoàn xã Tân Thành cho biết: Dù mới đi nghĩa vụ công an về chưa lâu, nhưng Lịch rất tích cực và nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của thôn, xã và đã được tín nhiệm giữ chức chủ tịch mặt trận thôn. Hiện đồng chí là tấm gương tiêu biểu để các đoàn viên của Đoàn xã Tân Thành học tập và noi theo. 

LA TUYẾT MAI