Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu từ gạch không nung

LSO-Hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia đã xuất hiện nhiều nông dân vượt khó, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập cao. Mô hình sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng của nông dân Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Nà Rạ, xã Tô Hiệu là một điển hình.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng bên gian hàng vật liệu xây dựng của gia đình

Qua câu chuyện và tìm hiểu về anh Thắng, chúng tôi được biết: Anh sinh năm 1979 trong một gia đình đông anh em, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi học xong phổ thông, anh gác lại giấc mơ đến giảng đường đại học và quyết định đi làm thuê từ năm 2000 – 2003, nhận vận chuyển gạch không nung ở mỏ đá số 4 Công ty Hồng Phong để lấy tiền phụ giúp gia đình.

Qua thực tế, anh nhận thấy nhu cầu sử dụng gạch không nung của bà con ngày càng lớn, trong khi đó ở xã Tô Hiệu chưa có đơn vị nào sản xuất gạch tại chỗ nên hầu hết gạch phải vận chuyển từ nơi khác đến, vừa bất tiện, giá thành lại đắt hơn. Sau nhiều lần đắn đo và được sự đồng ý, động viên của gia đình, anh quyết định đầu tư sản xuất gạch không nung (gạch bê tông). Nghĩ là làm, anh Thắng đã mạnh dạn vay bạn bè, người thân và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Bình Gia với tổng vốn 200 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, phương tiện sản xuất kinh doanh.

Đến năm 2006, dây truyền sản xuất gạch bê tông cơ sở của gia đình bắt đầu hoạt động, có hai máy ép gạch không nung và cho ra những viên gạch đầu tiên, sản phẩm do ép bằng máy thủy lực tốt, vuông vắn, chắc chắn, đẹp hơn gạch đóng thủ công rất nhiều. Năm 2017, một ngày cơ sở của anh sản xuất được từ 1.800 đến 2.000 viên gạch, giá bán 3.000 đồng một viên. Trung bình mỗi ngày tiêu thụ được trên 1.000 viên. Sản phẩm gạch của anh được bán trên địa bàn xã, các vùng lân cận, phục vụ bà con xây dựng nhà, công trình phụ, xây tường… Mỗi năm thu nhập được trên 100 triệu đồng.

Để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, anh động viên công nhân tích cực làm việc, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng uy tín với khách hàng. Nhờ vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của anh được lan truyền, ngày càng thuận lợi, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Ngoài ra, anh còn kinh doanh cung cấp thêm các loại vật liệu xây dựng khác như: xi măng, sắt thép, cát, sỏi, đá… mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng.

Với sản xuất kinh doanh thuận lợi, trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập của gia đình anh tăng lên đáng kể và có tích lũy. Hiện anh Thắng đã xây được nhà cửa ổn định, mua được 4 ô tô vận chuyển, 1 máy xúc để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, đồng thời vận chuyển sản phẩm đến tận chân công trình. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, hiện xưởng sản xuất gạch của anh Thắng còn giải quyết việc làm ổn định cho 7 lao động với thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/ người/tháng.

Ông Đặng Văn Đoán, Phó Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết: Cơ sở sản xuất kinh doanh của anh không những tạo việc làm cho lao động tại thôn mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của xã. Gia đình tham gia đầy đủ các hoạt động của địa phương, chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; nhiệt tình ủng hộ cho các phong trào của địa phương như: xây dựng nhà văn hóa thôn, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn ứng trước vật liệu…

Mô hình sản xuất, kinh doanh  của anh Thắng tại xã Tô Hiệu hiện đang là một trong những mô hình làm ăn hiệu quả, qua đó từng bước góp phần vào việc thay đổi diện mạo xã nông thôn mới này.

HỒNG TUYẾN