Thứ năm,  19/09/2024

Người nông dân năng động phát triển kinh tế

LSO-Nhạy bén, nhiệt tình, sáng tạo… là những lời khen mọi người dành cho anh Lê Văn Hiểu, sinh năm 1977, ở thôn Minh Tiến, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn. Anh là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế hộ gia đình với mô hình kinh tế tổng hợp có giá trị cao.  

Anh Lê Văn Hiểu, thôn Minh Tiến, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn chăm sóc cây đào cảnh

Anh Hiểu sinh ra trong một gia đình thuần nông có 6 anh chị em. Vì hoàn cảnh khó khăn, hết lớp 6, anh phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Sau khi lập gia đình ra ở riêng, anh chị được bố mẹ chia cho 6 sào ruộng. Hai vợ chồng trẻ cùng con cái còn nhỏ, chỉ dựa vào mấy sào ruộng thu nhập rất bấp bênh. Không chịu đói nghèo, anh mạnh dạn vay mượn của người thân 20 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Sau một năm, nhờ chăm sóc tốt, đàn lợn của gia đình anh mang lại thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Từ đó, anh vừa trả được hết nợ lại vừa có vốn để đầu tư phát triển trồng rừng. Năm 2001, anh trồng được 200 cây hồi.

Anh Hiểu tâm sự: Làm nông, lâm nghiệp không cần nhiều vốn, tuy nhiên rất cần sự chăm chỉ, chịu khó, nắm bắt thị trường. Năm 2008, nhận thấy nhu cầu sử dụng phân bón của người dân ngày càng cao, vợ chồng tôi đã mở thêm cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Với giá bán hợp lý, chính sách ưu đãi nên cửa hàng của tôi thường bán rất chạy…

Ngoài trồng rừng, bán vật tư nông nghiệp, năm 2010, anh Hiểu lại trồng thêm 3.000 gốc đào cảnh. Nhờ chịu khó học hỏi qua các phương tiện truyền thông về kỹ thuật trồng, chăm sóc và tạo dáng cây đào nên đào của gia đình anh luôn đạt các chỉ tiêu về mẫu mã, chất lượng, thu hút nhiều khách mua. Bên cạnh việc trồng đào cảnh lấy hoa, anh còn tự nghiên cứu, ươm trồng cây giống  đào cảnh để bán cả gốc. Theo đó, để cây đào đạt yêu cầu phải trồng trong khoảng 4 năm, khi cây có đường kính từ 8 đến 10 cm là có thể xuất bán. Trung bình một gốc đào cảnh như vậy sẽ có giá khoảng 300 nghìn đồng. Đến nay, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, gia đình anh lại đón nhiều khách hàng là các nhà vườn ở Bắc Giang, Hà Nội lên tham khảo mô hình, đồng thời đặt mua đào với số lượng lớn. Chỉ riêng vụ tết vừa rồi, anh đã thu nhập gần 60 triệu đồng.

Quả thực, đến với mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Hiểu, chúng tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bởi, với nhiều “nội dung” làm kinh tế như vậy nhưng anh còn trồng thêm vườn na 1.000 gốc, mỗi năm cho thu từ 3 đến 4 tấn quả. Cùng với đó, năm 2015, anh đầu tư mở dịch vụ làm máy cuốc, máy đào đất, san lấp mặt bằng. Nhờ có phương pháp làm khoa học nên mặc dù rất nhiều công việc nhưng anh biết sắp xếp thời gian hợp lý nên công việc luôn duy trì và đạt hiệu quả cao. Từ khi mở rộng diện tích trồng na, mỗi vụ na, gia đình anh tạo được việc làm thời vụ cho 8 lao động với thu nhập 180 nghìn đồng/ngày/người. Riêng về dịch vụ máy cuốc, anh có việc làm quanh năm nên từ đó đã tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 2 nhân công với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn cho biết: Anh Hiểu là một hội viên năng động, tự lập, là điển hình của sự cố gắng, nỗ lực đi đầu trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhờ có anh cung ứng vật tư nông nghiệp bằng hình thức trả chậm không lấy lãi nên rất nhiều bà con trong xã mới có động lực để mở rộng diện tích làm nông. Anh Hiểu thực sự là một tấm gương tiêu biểu của Hội Nông dân xã Vũ Lễ, xứng đáng để các hội viên khác học tập và làm theo.

Nhờ sự năng động, sáng tạo và ham học hỏi, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Hiểu mang lại thu nhập mỗi năm từ 300 đến 400 triệu đồng. Với những cố gắng nỗ lực đó, năm 2015, gia đình anh Hiểu đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

NGUYỄN PHƯƠNG