Thứ năm,  19/09/2024

Văn Quan: Tăng thu nhập từ chuyển cây trồng

LSO- Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Văn Quan mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như: bí xanh, cà chua, dưa hấu… Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Vài năm trở lại đây, gia đình bà Lương Thị Cầu, thôn Hang Nà, xã Tú Xuyên đã chuyển đổi những diện tích đất lúa 1 vụ kém hiệu quả, không thuận tiện nước tưới của gia đình sang trồng màu. Bà Cầu cho biết: Từ năm 2014 đến nay, năm nào, gia đình tôi cũng trồng 5 sào dưa hấu, 2 sào ớt, 2 sào dưa lê. Mỗi vụ thu hoạch dưa hấu, thương lái đến tận vườn mua, trung bình mỗi sào thu được từ 8 – 10 tạ quả, gia đình thu nhập khoảng 40 triệu đồng/vụ. Với ớt và dưa lê, mỗi sào, gia đình thu được 10 triệu đồng. Tổng thu nhập từ trồng dưa hấu, dưa lê, ớt được khoảng 80 triệu đồng, cao hơn trồng lúa từ 4 – 5 lần.

Cũng như gia đình bà Cầu, nhiều hộ nông dân xã Tú Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với những diện tích đất canh tác không chủ động được nước hoặc sản xuất kém hiệu quả, người dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: bí xanh, dưa hấu, cà chua, ớt… một số hộ chuyển sang trồng cây ăn quả. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập.

Người dân thôn Hang Nà, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan thu hoạch dưa hấu

Ông Nông Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tú Xuyên cho biết: Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã có chuyển biến tích cực. Ngoài trồng lúa, ngô và một số cây hoa màu truyền thống như: khoai tây, rau… thì những diện tích đất ở chân ruộng cao, không chủ động được nước tưới, việc cấy lúa không đảm bảo, người dân chuyển sang trồng bí xanh, dưa hấu. Cụ thể, vụ xuân năm nay, bà con trồng 22 ha dưa hấu; 2 ha ớt; 14 ha bí xanh, tăng 5 ha so với cùng kỳ. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, đến nay thu nhập bình quân của xã đạt 19 triệu đồng/người/năm.

Huyện Văn Quan có trên 8.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích sản xuất cây hằng năm là 7.000 ha, chủ yếu là lúa và ngô. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi gần 500 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây như: bí xanh, ớt, dưa hấu, bí đỏ, cà chua, tập trung tại các xã: Trấn Ninh, Tràng Các, Tràng Phái, Tú Xuyên, Chu Túc… Theo thống kê, vụ xuân năm nay, toàn huyện trồng được 101,84 ha dưa hấu; 109,07 ha bí xanh; 71,24 ha bí đỏ; 8,3 ha ớt; 11,7 ha cà chua… Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018 – 2020 của huyện, đến năm 2020, huyện có kế hoạch chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây hằng năm (ngô, rau màu) là 700 ha.

Ông Nông Văn Tùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong khoảng 3 năm trở lại đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện có chuyển biến rõ nét. Người dân chủ động chuyển đổi các giống cây mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, hằng năm, phòng chủ động tuyên truyền bà con đưa các cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế vào sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị phối hợp với Trạm Khuyến nông, Hạt Kiểm lâm, Trạm Bảo vệ thực vật huyện mở được 43 lớp tập huấn cho trên 1.890 người về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề… qua đó giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ngoài tham gia các lớp tập huấn, người dân vừa làm vừa trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên năng suất, chất lượng cây trồng ngày càng được nâng lên. Không chỉ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm cũng ngày càng thuận lợi, khi cơ sở hạ tầng được đầu tư, đường sá đi lại thuận tiện nên thương lái đến tận vườn thu mua. Những năm gần đây, mặc dù giá cả còn phụ thuộc vào thị trường nhưng sản phẩm làm ra đều tiêu thụ được hết.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 20,6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 9 triệu đồng/người/năm so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 31,22%, giảm 9,54% so với năm 2012. Có thể thấy rằng, việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất giúp bà con nơi đây tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

KIM HUYÊN