Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu từ nghề mộc truyền thống

LSO- Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay, ông Lê Văn Khương (sinh năm 1969) – chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ nội thất ở thôn Rừng Dong, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Khương sinh ra trong một gia đình thuần nông. Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1988, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1991, ông trở về địa phương.

Ông Khương tâm sự: Sau khi về địa phương, năm 1992, tôi lập gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi kinh tế chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Với bản lĩnh của người lính được rèn luyện thử thách, tôi luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nhận thấy trên địa bàn huyện có nghề mộc lâu đời, năm 1997, tôi xin vào làm công nhân tại các xưởng sản xuất để học hỏi kinh nghiệm. Sau 10 năm  học nghề, đến năm 2007, hai vợ chồng tôi  mở xưởng sản xuất và chế biến gỗ. Cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ của ông Khương được thành lập với quy mô nhỏ, trên diện tích hơn 200 m2, chỉ sản xuất hàng mộc dân dụng. Sau một thời gian, cơ sở tạo dựng được uy tín và chất lượng sản phẩm nên có nhiều khách hàng trong và ngoài huyện đến đặt mua.

Ông Khương bên xưởng mộc của gia đình

Trong quá trình sản xuất, nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao, ông Khương tiếp tục đầu tư trang thiết bị để mở rộng diện tích xưởng. Đến nay, xưởng sản xuất và chế biến gỗ của gia đình ông được đầu tư, máy móc hiện đại với nguồn vốn trên 200 triệu đồng, các mặt hàng chủ yếu như: ván ốp trần, ván ốp tường, ván sàn, giường, tủ, bàn ghế hội trường… được sản xuất từ gỗ thu mua tại địa phương.

Hiện nay, xưởng sản xuất của gia đình ông Khương có diện tích trên 400 m2, các sản phẩm mộc của gia đình chủ yếu được bán cho các khách hàng trong và ngoài huyện. Hằng năm, doanh thu không ngừng tăng, năm 2017 đạt trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận thu về từ 300 – 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng tạo việc làm ổn định cho 15 – 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân 200 nghìn đồng/người/ngày.

Bên cạnh xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất, năm 2016, ông Khương mở xưởng sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Xưởng sản xuất gạch không nung của gia đình ông mỗi năm xuất bán khoảng 10 vạn viên gạch, cùng các mặt hàng phục vụ xây dựng như: sắt, thép, gạch lát nền, xi măng… đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ông Bùi Hữu In, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tân cho biết: Với sự quyết tâm và nỗ lực vượt khó, hội viên Lê Văn Khương không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên nông dân trên địa bàn. Không chỉ năng động phát triển kinh tế, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người muốn học hỏi nghề làm mộc truyền thống. Với cố gắng, nỗ lực đó, năm 2017, ông Khương được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương.

KIM HUYÊN