Thứ tư,  18/09/2024

Lương y trẻ tận tâm với nghề

(LSO) – Kế thừa các bài thuốc gia truyền của gia đình cùng với tâm huyết của người thầy thuốc, những năm qua, anh Chu Văn Đông, sinh năm 1980, ở thôn Chục Quan, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng đã phát triển thành công cơ sở khám chữa bệnh (KCB), phục vụ hàng nghìn lượt bệnh nhân ở trong và ngoài tỉnh mỗi năm.

Vào những ngày đầu tháng 12/2020, theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Đông y (HĐY) huyện Hữu Lũng, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở KCB của anh Chu Văn Đông. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là một cơ sở khang trang có 15 phòng và 50 giường bệnh. Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh KCB cho hơn 1.500 lượt bệnh nhân, với hơn 11.000 thang thuốc. Tỉ lệ chữa khỏi bệnh đạt 85%, bệnh thuyên giảm 13%, còn lại là các bệnh nan y, mãn tính, bệnh di truyền.

Lương y Chu Văn Đông chuẩn bị cho bệnh nhân kéo giãn cột sống

Anh Đông cho biết: Để có được thành quả như ngày hôm nay, trước hết xuất phát từ truyền thống của gia đình. Sinh thời, ông nội và cha tôi vẫn thường sử dụng phương pháp châm cứu,  sử dụng các bài thuốc gia truyền để chữa bệnh cho người dân. Khi còn nhỏ, tôi đã được cùng cha lên rừng hái thuốc, xem cha châm cứu chữa bệnh. Đến năm 9 tuổi, tôi đã có thể nhận biết được tất cả các cây thuốc mà cha vẫn thường sử dụng. Chính những điều đó đã hun đúc cho tôi niềm mơ ước trở thành một thầy thuốc giỏi để chữa bệnh, cứu người.

Vì thế, năm 2001, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh bắt đầu học các bài thuốc châm cứu gia truyền của gia đình. Để phát triển thêm năng lực KCB bằng phương pháp châm cứu, năm 2006, anh tham gia khóa học châm cứu gần 4 tháng với Giáo sư Nguyễn Tài Thu, tại Hà Nội. Sau đó, anh thực hiện KCB tại nhà. Mới đầu, công tác KCB của anh gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, ít bệnh nhân. Nhưng anh vẫn kiên trì lên rừng hái thuốc, tận tụy KCB cho bà con.

Nhờ chữa bệnh hiệu quả, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến với anh ngày một đông, chủ yếu để chữa các bệnh như: tai biến mạch máu não, vôi hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp dạng thấp, dạ dày, đại tràng, gan, sỏi thận… Năm 2012, anh xây dựng cơ sở KCB có 9 phòng với 32 giường và được Sở Y tế Lạng Sơn cấp phép hoạt động. Đến năm 2020, anh phát triển thêm 6 phòng và 18 giường. Hiện tại, mỗi ngày, cơ sở của anh tiếp nhận từ 30 đến 40 bệnh nhân ở trong và ngoài tỉnh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội…).

Chị Lê Thị Hiền, ở Cao Bằng đã điều trị tại cơ sở của anh gần 1 tháng nay cho biết: Tôi bị thoái hóa đốt sống cổ, lưng, phồng đĩa đệm, khiến toàn thân đau nhức, mệt mỏi, mất ngủ. Qua lời giới thiệu của bạn bè, tôi đến đây điều trị. Sau khi châm cứu, kéo giãn cột sống, đắp thuốc, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm.

Để phục vụ công tác KCB, anh đã đầu tư tủ hấp dụng cụ, máy thái, máy nghiền, máy kéo giãn cột sống và phát triển vườn thuốc nam. Hiện tại, gia đình anh trồng và nhân giống hơn 100 loại cây thuốc, với diện tích hơn 3 ha. Mỗi năm, vườn thuốc của gia đình anh tạo công ăn việc làm thời vụ cho 5 hoặc 6 lao động địa phương để trồng và chăm sóc cây thuốc, với thu nhập 300.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày.

Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia công tác HĐY, các hoạt động xã hội trên địa bàn. Với tư cách là Phó Chủ tịch HĐY xã Yên Vượng, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm vận động những người có bài thuốc hay, cây thuốc quí vào hội, chia sẻ các bài thuốc, thu mua thuốc cho hội viên. Hằng năm, anh ủng hộ hơn 10 triệu đồng cho các chương trình thể thao, làm đường giao thông, hoạt động khuyến học… của thôn, xã.

Ông Nguyễn Văn Dòn, Chủ tịch HĐY huyện Hữu Lũng cho biết: Anh Chu Văn Đông là lương y trẻ nhưng đã có nhiều đóng góp cho công tác KCB bằng các bài thuốc gia truyền cho Nhân dân. Anh không chỉ là lương y giỏi về y thuật, sáng về y đức mà còn là một cán bộ hội nhiệt tình, một công dân có trách nhiệm với xã hội.

Với nỗ lực đó, những năm qua, anh đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Gần đây nhất, tháng 11/2020, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác HĐY nhiệm kì 2015 – 2020. Nhưng có lẽ, niềm vui lớn nhất của những người thầy thuốc như anh đó là nụ cười của bệnh nhân khi được chữa khỏi bệnh.

THU DIỄM