Thứ tư,  18/09/2024

“Kho tri thức khổng lồ” về di sản văn hóa Xứ Lạng

(LSO) – Đó là “biệt danh” mà những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa yêu mến đặt cho Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, sinh năm 1957, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa (DSVH) tỉnh, Nhà nghiên cứu (NNC) văn hóa dân gian Xứ Lạng.

Đến thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn vào một buổi chiều cuối đông, chúng tôi có dịp tới thăm nhà Tiến sĩ Hoàng Văn Páo – người đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu DSVH Lạng Sơn. Khi bước vào phòng làm việc của ông, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước kho tài liệu sách, phần lớn đó là những nghiên cứu tâm huyết của ông. Tiến sĩ Hoàng Văn Páo chia sẻ: Là người con dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại thôn Bản Chu, xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia. Từ bé,  tôi đã rất yêu thích và hay tìm hiểu các phong tục tập quán, làn điệu dân ca, trang phục… truyền thống của quê hương. Sau này, DSVH đã trở thành nguồn cảm hứng, thôi thúc tôi tìm hiểu và nghiên cứu.

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo khảo cứu tài liệu phục vụ nghiên cứu di sản văn hóa Lạng Sơn

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1977, ông học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1981 đến khi về hưu (2016), ông công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – VHTT&DL tỉnh) và huyện Văn Lãng với nhiều chức vụ khác nhau. Trong đó, giai đoạn 2005 – 2008, ông giữ chức Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, giai đoạn 2008 – 2016, ông giữ chức Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, ông là Chủ tịch Hội DSVH Lạng Sơn.

Trong quá trình công tác, Tiến sĩ Hoàng Văn Páo đã có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn cho công tác bảo tồn và phát huy vốn DSVH tỉnh nhà. Ông đã cho ra đời hơn 20 công trình nghiên cứu về DSVH có giá trị khoa học cao. Tiêu biểu trong số đó là ông đã tham gia, chỉ đạo biên soạn cuốn: Địa chí Lạng Sơn (1999), Lẩu Then người Tày Văn Quan (1999), Lễ hội lồng tồng Bản Chu, xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia (2002), Trò chơi, trò diễn dân gian của người Tày xứ Lạng (2008); Vai trò của Then và hát Then trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày tỉnh Lạng Sơn (2012); Bình Gia – truyền thống và văn hóa (2013)…

Từ năm 2016 đến nay, với vai trò Chủ tịch Hội DSVH Lạng Sơn, ông đã lãnh đạo hội hoạt động nề nếp ngày càng phát triển nhiều hội viên và gặt hái được nhiều thành tích quan trọng. Cụ thể như hội đã giúp Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố tổ chức thành công hội thảo khoa học phục dựng di tích đình Pác Moòng, xã Quảng Lạc; xây dựng kế hoạch và tổ hức hội nghị tập huấn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh…

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo chia sẻ thêm: Để làm nên thành quả như ngày hôm nay, tôi đã kết hợp tốt giữa công tác lãnh đạo và niềm đam mê nghiên cứu DSVH Xứ Lạng. Bên cạnh đó, tôi còn tích cực đi cơ sở, xuống từng thôn, bản, thâm nhập thực tế, cùng ăn, cùng làm với dân, với các nghệ nhân, từ đó có những trải nghiệm chân thực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, là luôn tìm tòi, tiếp thu các lý thuyết, hướng nghiên cứu của các nhà khoa học nổi tiếng. Muốn như thế phải đọc nhiều sách, có thời điểm mỗi ngày tôi đọc từ 5 đến 10 cuốn sách.

Nói về những đóng góp của NNC, tiến sĩ Hoàng Văn Páo đối với ngành văn hóa tỉnh nhà, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh khẳng định: Tiến sĩ Hoàng Văn Páo có cống hiến to lớn đối với lĩnh vực DSVH nói riêng và ngành VHTT&DL nói chung. Ông là bậc tiền bối, có hiểu biết chuyên sâu, tận tâm với công việc, gắn bó với cơ sở. Những công trình nghiên cứu của ông đã giúp làm sáng tỏ giá trị của nhiều di tích lịch sử, loại hình di sản vật thể, phi vật thể của tỉnh, từ đó giúp chúng tôi có nền tảng để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy.

Với những đóng góp trong công tác nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị DSVH, Tiến sĩ Hoàng Văn Páo đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của tỉnh và Trung ương như: Huân chương Lao động Hạng ba (2016), kỷ niệm chương vì sự nghiệp DSVH của Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam (2018), bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh (2019)…

HOÀNG HIẾU