Thứ sáu,  20/09/2024
Chứng thực bản sao từ bản chính:

Cắt giảm một bản lưu

LSO-Mỗi năm, Lạng Sơn cắt giảm được khoảng 5.400 triệu đồng trong nhân dân là con số ước tính của ngành tư pháp Lạng Sơn khi thủ tục hành chính “chứng thực bản sao từ bản chính” không còn yêu cầu người dân lưu lại 1 bản tại cơ quan chứng thực. 

Người dân đến bộ phận “một cửa” UBND phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn thực hiện thủ tục “chứng thực bản sao từ bản chính”

Tiết kiệm khoảng 5.400 triệu đồng một năm

“Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã…) căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. Do nhu cầu giải quyết, giao dịch hành chính, người dân thực hiện thủ tục này một cách thường xuyên. Trong năm 2015, toàn tỉnh chứng thực 545.677 bản. 8 tháng của năm 2016, toàn tỉnh chứng thực trên 130.000 bản. Các giấy tờ chứng thực chủ yếu là chứng minh thư nhân dân (CMTND), sổ hộ khẩu (SHK), giấy phép lái xe…

Bà Trần Kim Thúy, Trưởng phòng Hành chính – Tư pháp, Sở Tư pháp Lạng Sơn phân tích: “Theo quy định tại Thông tư liên tịch 158/2015/TTLT-BTC-BTP, lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính là 2.000 đồng/trang, từ trang thứ 3 trở lên thu 1.000 đồng/trang thì chỉ cần phô tô, chứng thực 1 CMTND, người dân chi phí 3.000 đồng, phô tô và chứng thực 1 SHK sẽ chi phí khoảng 20.000 đồng. Như vậy, việc cắt giảm 1 bản lưu giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí nhất định. Chỉ tính trung bình chi phí của các văn bản, giấy tờ là 20.000 đồng/bản thì mỗi năm tiết kiệm cho người dân trong tỉnh khoảng 5.400 triệu đồng”.

Chị Nông Thị Dung, khối 4, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia phấn khởi cho biết: “Mới đây, tôi làm hồ sơ nhập trường cho con có phô tô, chứng thực một số giấy tờ liên quan với tổng chi phí hết gần 100.000 đồng. Tuy nhiên, toàn bộ giấy tờ sau khi chứng thực từ bản chính đều được mang về sử dụng chứ không phải lưu tại cơ quan chứng thực, nhờ đó, tôi tiết kiệm được hơn 30.000 đồng”.

Cải cách từ một quy định mới

Từ ngày 10/4/2015, Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về “cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch” chính thức có hiệu lực thi hành. Thực hiện thông tư hướng dẫn Nghị định 23, từ ngày 1/1/2016, Lạng Sơn triển khai thực hiện các quy định mới đối với thủ tục “chứng thực bản sao từ bản chính”. Theo đó, thủ tục không còn yêu cầu lưu 1 bản sau khi chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Trước đó, Nghị định 79/2007/NĐ-CP ở Khoản 2, Điều 21 có nêu: “Đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính thì cơ quan chứng thực phải lưu một bản sao để làm căn cứ đối chiếu khi cần thiết. Thời hạn lưu trữ bản sao tối thiểu là 2 năm. Khi hết hạn lưu trữ, việc tiêu huỷ bản sao được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ”. Vì lưu 1 bản nên bấy lâu nay, người dân chịu nhiều phiền phức, tốn kém khi chứng thực. “Do người dân không nắm rõ yêu cầu lưu 1 bản sau khi chứng thực nên có nhiều trường hợp chỉ đem bản chính và 1 bản sao đến chứng thực, khi yêu cầu lưu 1 bản thì không có đành phải ra về phô tô thêm, rất mất thời gian, công sức. Nhờ quy định mới, 100% số người đến chứng thực đều thực hiện được yêu cầu của mình. Từ đầu năm 2016 đến nay, chúng tôi đã chứng thực được 4.662/4.662 lượt giấy tờ cho người dân” – Chị Lê Kim Liên, cán bộ chứng thực, Phòng Tư pháp thành phố Lạng Sơn cho biết.

Một quy định mới ban hành thường có những ưu, nhược điểm so với quy định cũ. Vấn đề đặt ra ở đây là không lưu 1 bản sau chứng thực sẽ thuận cho người dân nhưng về công tác quản lý sẽ có sự thiếu chặt chẽ. Bà Trần Kim Thúy cho rằng: Để vừa thuận cho dân, vừa làm tốt công tác quản lý về chứng thực thì cán bộ tư pháp và lãnh đạo cơ quan chứng thực phải nắm chắc nghiệp vụ, nhận biết được bản chính khi đem chứng thực là thật hay giả. Để làm tốt được việc này, thời gian tới, ngành tư pháp sẽ tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan chứng thực và cán bộ tư pháp cấp xã.  

MINH ĐỨC