Thứ sáu,  20/09/2024
Cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp:

Đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

LSO-Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) liên quan sát sườn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, những năm qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức liên quan. 

Cán bộ Phòng PC64, Công an tỉnh tiếp nhận và giải quyết thủ tục
cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp của doanh nghiệp

Toàn tỉnh có 2 đơn vị cung ứng VLNCN và trên 30 doanh nghiệp, tổ chức (chủ yếu là các mỏ khai thác đá) sử dụng VLNCN. Để vận chuyển VLNCN, các doanh nghiệp bắt buộc phải xin giấy phép của Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh.

Theo quy định (tại khoản 3, Điều 26, Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về “Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”), hồ sơ xin cấp phép gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép; giấy giới thiệu của người được tổ chức, đơn vị cử đến làm thủ tục kèm bản chính chứng minh nhân dân để đối chiếu; bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để sản xuất, kinh doanh, sử dụng VLNCN của tổ chức, đơn vị nơi nhận VLNCN; thông tin về họ, tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển và người điều khiển phương tiện vận chuyển VLNCN. Thời gian giải quyết thủ tục là 3 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ.

Trung tá Trương Minh Sơn, Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý vũ khí VLN, công cụ hỗ trợ, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu, Phòng PC64 cho biết: “Chúng tôi đã cắt giảm thời gian và những giấy tờ không cần thiết nhằm đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp. Đơn giản hóa nhưng không trái với quy định hiện hành”.

Cụ thể khi doanh nghiệp xin cấp giấy phép lần đầu mới cần có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Ở những lần xin cấp sau, hồ sơ chỉ cần có đơn đề nghị cấp giấy phép; giấy giới thiệu của người được tổ chức, đơn vị cử đến làm thủ tục kèm bản chính chứng minh nhân dân để đối chiếu; thông tin về họ, tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển và người điều khiển phương tiện vận chuyển VLNCN. Thiếu úy Nguyễn Thị Bích Trà, cán bộ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục, Phòng PC64 cho biết: Những lần xin cấp sau, doanh nghiệp không cần nộp bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để sản xuất, kinh doanh, sử dụng VLNCN của tổ chức, đơn vị nơi nhận VLNCN. Nếu doanh nghiệp có thay đổi về giấy đăng ký kinh doanh hoặc những thông tin liên quan thì phòng mới yêu cầu nộp bổ sung. Trung bình mỗi năm, Phòng cấp từ 300 đến trên 500 giấy phép vận chuyển VLNCN. Như vậy đã đơn giản hóa rất nhiều thời gian và chi phí chuẩn bị (phô tô, chứng thực) các giấy tờ nộp vào hồ sơ cho doanh nghiệp.

Khoảng 4 năm nay, Phòng PC64 cũng giảm thời gian giải quyết thủ tục từ 3 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc. Thượng tá Hoàng Việt Châu, Trưởng Phòng PC64 cho biết: Lãnh đạo phòng phân công công việc đảm bảo luôn có người ký giấy phép. Những lúc lãnh đạo phòng bận công việc thì tranh thủ duyệt hồ sơ và ký giấy phép vào cuối giờ làm việc để kịp thời trả kết quả cho doanh nghiệp.

Chi nhánh Công nghiệp hóa chất mỏ Lạng Sơn là 1 trong 2 doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xin cấp giấy phép vận chuyển VLNCN. Trung bình mỗi tháng đơn vị thực hiện từ 20 đến 30 hồ sơ, mỗi năm khoảng 300 hồ sơ với tổng khối lượng trên 500 tấn (thuốc nổ các loại, kíp điện…). Việc đơn giản quy trình giải quyết đã tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Giám đốc chi nhánh cho biết: Bốn năm nay, thủ tục này được đơn giản hóa rất nhiều. Bất kể lúc nào, chúng tôi làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đều được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn nữa, rất mong Công an tỉnh triển khai phương án tiếp nhận hồ sơ điện tử để doanh nghiệp không còn phải chuẩn bị hồ sơ giấy và đi lại nhiều lần thực hiện thủ tục.

MINH ĐỨC