Thứ sáu,  20/09/2024
Thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính:

Ý kiến người “trong cuộc”

LSO-Năm 2018, các cấp, ngành và bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đều phấn đấu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính bằng cách phát huy những điểm đã đạt được, quyết tâm khắc phục hạn chế nhằm nâng cao chất lượng công việc.

Ông Hoàng Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc: “Ý thức trách nhiệm của người đứng đầu”.

Việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ đã được tôi ý thức phấn đấu từ những năm trước, đặc biệt là trong năm nay. Bên cạnh việc nghiêm túc chấp hành nội quy của cơ quan, trong thực hiện nhiệm vụ, tôi phân công công việc đúng vị trí, chức trách của từng cá nhân, đồng thời giao văn phòng cùng đôn đốc và theo dõi việc thực hiện công việc của từng bộ phận. Tôi còn có một cuốn sổ tay riêng, ghi rõ các đầu mục công việc để kịp thời triển khai. Đối với những cán bộ có dấu hiệu chểnh mảng trong kỷ luật, tôi thẳng thắn nhắc nhở và chấn chỉnh trong các cuộc họp giao ban. Ngay trong Tết Nguyên đán vừa qua, tôi và đồng chí cấp phó đã thay phiên nhau trực và giải quyết công việc, xác nhận thủ tục cho người dân đi lao động xa nhà ngay từ mùng 3 Tết để kịp trả kết quả cho người dân trong ngày.

Bà Phan Thị Phương, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Chi Lăng: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đã tạo chuyển biến rõ rệt”.

Thực hiện Chỉ thị số 02 của UBND tỉnh với nội dung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch số 13 ngày 4/1/2018 để triển khai thực hiện và ban hành các kế hoạch, quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất công vụ ngay từ đầu năm 2018. Đoàn kiểm tra của huyện đã thanh tra công vụ 9 xã, thị trấn và 5 cơ quan, đơn vị; kiểm tra 3 xã còn hạn chế sau thanh tra công vụ năm 2017. Kết quả cho thấy các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn duy trì tốt nề nếp, giờ giấc làm việc, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; những hạn chế đều được nghiêm túc khắc phục. Qua đó thấy rằng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đã trở thành thói quen, không còn hiện tượng “đối phó”.

Ông Hoàng Ngọc Anh, chuyên viên Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Sở Giao thông Vận tải: “Thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính để giữ hình ảnh đẹp với người dân”.

Mỗi ngày, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở tiếp trung bình 30 công dân, khối lượng công việc tương đối lớn nên tôi luôn có mặt tại cơ quan lúc 7 giờ sáng để sắp xếp và chuẩn bị sẵn sàng cho công việc. Việc đeo thẻ công chức khi tới cơ quan cũng trở thành thói quen của tôi. Những năm qua, tôi thường xuyên học tập, trau dồi kỹ năng sử dụng thành thạo máy vi tính để nâng cao chất lượng công việc. Đối với những ngày cao điểm, 6 – 7 giờ tối, tôi mới rời cơ quan sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đặc thù công tác ở vị trí thường xuyên tiếp xúc với dân nên tôi luôn ý thức tác phong của mình trong việc tiếp nhận hồ sơ của người dân sao cho chuyên nghiệp; thân thiện, chừng mực và lịch sự trong hướng dẫn, ứng xử giao tiếp với người dân. Nhiều năm liền, tôi được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

TUỆ NHI