Thứ hai,  08/07/2024

Bộ Giáo dục buộc giáo viên dùng miệng nhiều

Từ năm học 2009 - 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học theo lối mới. Giáo viên sẽ bớt cho điểm 5, 6, 7 và tăng những lời nhận xét về từng bài làm của học sinh.HS Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Bảo AnhTừ năm học 2009 - 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học theo phương pháp mới. Nghĩa là, điểm tổng kết môn học cả năm của HS sẽ được tính bằng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm duy nhất, chứ không tính điểm bình quân của cả 2 học kỳ như trước đây. Cụ thể, HS học đến thời điểm nào sẽ đánh giá ở thời điểm đó, không cộng gộp với các điểm kiểm tra trước. Nếu bài kiểm tra cuối kỳ có dấu hiệu bất thường, chênh lệch so với sự đánh giá của giáo viên thì sẽ được kiểm tra lại nhiều nhất là ba lần sau đó.Tinh thần quan trọng nhất theo thông tư này là HS sẽ được đánh giá chủ yếu bằng lời nhận xét, giáo viên ít phải cho điểm số.Trong...

Từ năm học 2009 – 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học theo lối mới. Giáo viên sẽ bớt cho điểm 5, 6, 7 và tăng những lời nhận xét về từng bài làm của học sinh.

Mô tả ảnh.
HS Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Bảo Anh

Từ năm học 2009 – 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học theo phương pháp mới.

Nghĩa là, điểm tổng kết môn học cả năm của HS sẽ được tính bằng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm duy nhất, chứ không tính điểm bình quân của cả 2 học kỳ như trước đây. Cụ thể, HS học đến thời điểm nào sẽ đánh giá ở thời điểm đó, không cộng gộp với các điểm kiểm tra trước.

Nếu bài kiểm tra cuối kỳ có dấu hiệu bất thường, chênh lệch so với sự đánh giá của giáo viên thì sẽ được kiểm tra lại nhiều nhất là ba lần sau đó.

Tinh thần quan trọng nhất theo thông tư này là HS sẽ được đánh giá chủ yếu bằng lời nhận xét, giáo viên ít phải cho điểm số.

Trong thực tế, sau một học kỳ thực hiện, nhiều giáo viên vẫn có thói quen chấm điểm với HS.

“Giáo viên có “tật” là cứ hay cho điểm vu vơ, cho rồi… để đấy, điều này là không nên”, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên (Hà Nội) Hoàng Thị Tần nhận xét.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội), cách đánh giá này đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực thay đổi. Điều này cũng có nghĩa, giáo viên sẽ phải làm việc vất vả, sát sao hơn tới từng HS.

“Vẫn quen chấm điểm bởi đây là việc dễ làm nhất”, ông Tiến thẳng thắn. Trong khi, yêu cầu mới là không nên tiết nào cũng chấm điểm và nếu cho điểm thì phải có lời nhận xét. Ví dụ, chấm bài 7 điểm thì phải nói rõ vì sao.

Vẫn tích cực cho điểm

Nhiều phụ huynh có thói quen khi đón con về đều hỏi điểm và đều muốn biết con mình học như thế nào qua điểm số.

Đồng thời, nhiều cô giáo cũng thông qua điểm số để theo dõi tình hình học tập của học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội), một ngày, trung bình cô chấm cho HS 3 điểm và ngày nào cũng chấm. Quy định của Bộ GD-ĐT là 1 tuần chấm 2 lần, nhưng nhiều giáo viên thường chấm liên tục.

“Có những bài kiến thức mới liên tục, luyện tập cũng có kiến thức mới nên vẫn phải chấm điểm để theo dõi quá trình học của học sinh. Nếu ghi nhận xét, HS sẽ không nhớ nên buộc phải cho điểm”, cô Huế nói rõ.

Cô Huế cho rằng, cách đánh giá, xếp loại mới giảm bớt được công đoạn tính điểm, là không phải cộng và chia trung bình. Còn về cơ bản vẫn như trước đây: giáo viên vẫn phải theo dõi HS cả một quá trình học tập. Đối với những HS bị điểm thấp, giáo viên sẽ gọi riêng HS ra để nhắc nhở sẽ hiệu quả hơn. Chỉ nhận xét mà không cho điểm, HS sẽ không biết sai ở đâu và như thế nào.

Đồng quan điểm đó, cô Vũ Thị Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, giáo viên cho điểm ở từng môn học và “không tính vào đâu”. Mục đích để đánh giá ý thức và sự tiến bộ của HS cũng như nắm bắt được việc làm bài. Qua chấm điểm, giáo viên mới biết được trong giờ học HS có làm bài không và kết quả như thế nào.

“Để có lời nhận xét, cũng phải thông qua bài làm, phát biểu, việc học của các co. Nhiều khi các con phát biểu được, ngôn ngữ nói tốt nhưng khi thực hành lại không được. Cho nên chấm kết hợp cả lý thuyết và thực hành cho các con”, cô Oanh nói.

Nhận xét về việc triển khai quy định mới, cô Phạm Thị Phúc, giáo viên Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) cho biết, trong 1 tháng, giáo viên sẽ phải chấm 2 điểm Toán, 4 điểm Tiếng Việt, 1 điểm Khoa học, 1 điểm môn Sử và Địa gộp lại. Còn trong thực tế, giáo viên phải chấm thêm hàng ngày khá nhiều để sát với HS của mình và nhận biết HS cập nhật kiến thức đến đâu.

Trung bình 1 ngày, cô Phúc hường chấm bài môn Toán và Tiếng Việt. Môn Sử 1 tuần 1 lần học thì chấm điểm miệng; điểm Khoa học và Sử và Địa 1 tuần 2 lần”.

“Tuy nhiên, nếu bài của bé nào có khả năng dưới điểm 5 thì chỉ nhận xét mà không cho điểm để tránh gây áp lực cho HS. Em nào tiến bộ, tôi vẫn phải cho điểm. Nhưng không hình thành cho trẻ thói quen cứ làm việc là có điểm“, cô Phúc cho hay.

Không thể “cứ chấm là nhận xét”

Một số giáo viên cho biết, nhận xét chung qua tuần, qua tháng, qua học kỳ thì giáo viên làm được. Nhưng nhận xét ngay ở ttừng bài kiểm tra, từng bài chấm vở của học sinh thì khá căng vì thời gian trên lớp và giảng dạy bài mới, kiểm tra bài cũ,… đã khiến giáo viên không còn thời gian.

Với cách “chấm bằng lời”, môn Toán đã có “barem” điểm rất rõ ràng. Còn ở môn Tiếng Việt, các cô thường ghi nhận xét như: bẩn (trình bày), lỗi (chính tả, câu văn). HS viết không đúng thì ghi dấu hỏi vào đó. Với bài tính nhanh, HS phải tìm được cách làm, nhưng có em không tính nhanh mà tính theo cách thông thường, vẫn ra kết quả đúng. Khi đó, bài được 1 điểm nhưng cô trừ đi dù kết quả đúng.

Với các trường hợp như vậy, khi chữa bài, cô giáo sẽ giải thích trên lớp chứ không thể ghi nhận xét kiểu “HS không nhanh trong bài Toán”. Đối với bài Tiếng Việt, khi chữa ở trên lớp, sẽ đưa mẫu câu sai và HS sẽ được nhận xét là sai ở chỗ nào để tự rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, với yêu cầu ’chấm ít điểm số, tăng nhiều nhận xét” cũng đòi hỏi phụ huynh nói chuyện thường xuyên hơn với giáo viên. “Chỉ khi nào, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường suôn sẻ, kết quả giáo dục mới tốt” – ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nói.

Theo ông Thành, điều đầu tiên, phụ huynh cũng cần thay đổi quan niệm nặng nề về điểm số, bởi chính điều này đã vô tình đặt nhiều áp lực lên đôi vai của trẻ.

Thích cô cho điểm số cao, nhận xét “điểm thấp”

Nguyễn Ngọc Trâm, Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội):

Trung bình 1 ngày, cháu được chấm khoảng vài điểm. Điểm thấp nhất là 6 môn Toán và cô nhận xét là làm bài cẩu thả. Lúc đó, cháu rất buồn. Nhưng bố mẹ cháu cũng thông cảm. Nếu với điểm này, cô chỉ nhận xét động viên thì cháu sẽ đồng ý hơn, vui hơn. Hàng ngày, cô vẫn gọi các bạn đứng lên đọc bài và ghi vào sổ của cô. Cháu cũng không biết cô có tính vào điểm trung bình cuối năm hay không tính. Chỉ biết là cô cho điểm và về nói với bố mẹ như thế.

* Quang Duy, HS Trường Tiểu học Phương Mai (Hà Nội):

Điểm thấp nhất của cháu là 4 điểm môn Tiếng Việt. Cháu thích cô nhận xét hơn. Điểm cao thì thích cho điểm. Bị điểm thấp thấy xấu hổ với các bạn. Có 2 bạn cũng bị điểm thấp thế, bạn Khoa bị điểm 1.

* Mỹ Linh, HS Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội):

Mỗi ngày, cô giáo chấm 1 hoặc 2 bài thường là Toán và Tiếng Việt. Thỉnh thoảng, có những bài kiểm tra Khoa học, Lịch sử, Địa lý. Điểm thấp nhất của cháu là 7 và cháu buồn. Bố mẹ đón cháu thường hỏi được mấy điểm và điểm tốt rất hào hứng khoe. Điểm thấp bố mẹ bảo là phải cố gắng. Nếu cao thì cô cho điểm, nhưng điểm thấp thích cô nhận xét hơn.

Theo Vietnamnet