Thứ sáu,  20/09/2024
Đọc tác phẩm:

Về “Ý kiến bạn đọc” của Bác Hồ nghĩ về công tác bạn đọc hiện nay

LSO-Ngày 2/1/1955 trên Báo Nhân dân, số 307 đăng bài: Về “Ý kiến bạn đọc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã hơn 62 năm trôi qua nhưng ý nghĩa và những giá trị của tác phẩm vẫn luôn mang tính thời sự sâu sắc đối với hoạt động của mỗi cơ quan báo chí trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. 

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Hội thảo báo đảng các tỉnh Trung du – miền núi phía Bắc năm 2017 tại Lạng Sơn, tháng 3/2017

Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Báo có mục “ý kiến bạn đọc”, bạn đọc thường gửi ý kiến cho báo, đó là một việc rất hay. Vì đó là một cách phê bình và tự phê bình thiết thực, rộng rãi của nhân dân.Trong tháng 12 vừa qua, các bạn đọc đã phát biểu nhiều ý kiến hay, như những bài:

Nên đi họp đúng giờ; Nên bảo đảm thóc gạo sạch sẽ để nộp thuế; Các ô tô hàng cần niêm yết giá vé; Ô tô hàng chớ tham chở nhiều khách quá; Cần quy định và phổ biến luật đi đường…”

Đồng thời, Bác đã chỉ ra: “Song, bạn đọc đề nghị là báo nêu ra, đó chỉ là bước đầu. Nếu chỉ thế thôi, thì vô ích. Phải tiếp tục có bước thứ hai, tức là những người hoặc những cơ quan phụ trách phải thực hiện những điều báo đã nêu ra, thí dụ: Các chủ ô tô thì niêm yết giá vé và không chở quá nhiều khách; Công an thì quy định và phổ biến luật đi đường, làm cho mọi người tôn trọng luật đi đường; Cán bộ đi họp đúng giờ, đồng bào nộp thuế thì đảm bảo nộp thóc gạo sạch sẽ…

Trên cơ sở đó, Bác chỉ ra cần phải thực hiện tiếp bước thứ ba là kiểm tra. Nhà báo, bạn đọc và nhân dân kiểm tra xem những việc ấy đã làm chưa? Làm đến đâu? Nếu làm được chu đáo, thì báo phải có lời khen ngợi. Nếu làm không chu đáo, thì nhà báo và nhân dân phải tiếp tục phê bình, đấu tranh”.

Có thể nói, thông qua tác phẩm, các cơ quan báo chí đã nhận thấy rõ các bước, các khâu trong quy trình của công tác bạn đọc và làm sao để mục “Ý kiến bạn đọc” phát huy được tác dụng, hiệu quả. Đó là từ khâu tiếp nhận thông tin, ý kiến của bạn đọc, phản ánh thông tin trên mặt báo cho đến khâu kiểm tra thực tế và những chuyển biến, phản hồi sau khi báo chí phản ánh, phản biện của “những người hoặc những cơ quan phụ trách phải thực hiện những điều báo đã nêu ra”. Tất cả các bước trên, hiện nay đều được các cơ quan báo chí của nước ta áp dụng thực hiện. Đây thực sự là một “cẩm nang” để các cơ quan báo chí soi chiếu vào hoạt động của mình. Từ đó làm tốt vai trò là cầu nối, là diễn đàn của nhân dân…

Cuối tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi. Như thế “Ý kiến bạn đọc” mới thật có ích”.

Soi chiếu nội dung, tư tưởng của tác phẩm vào hoạt động thực tế của cơ quan báo chí Lạng Sơn hiện nay thấy rằng, các cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng trong thực hiện công tác bạn đọc. Cụ thể như, Báo Lạng Sơn có đội ngũ cán bộ, phóng viên làm công tác bạn đọc, thực hiện thường xuyên trang “Nhịp cầu Bạn đọc” trên báo; giữ mối liên hệ chặt chẽ với đội ngũ cộng tác viên của báo. Theo đó, báo kịp thời phản ánh những vấn đề mà dư luận đang quan tâm và những vấn đề nảy sinh tại cơ sở trong mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn được đăng tải kịp thời nêu lên những hiện tượng, vấn đề nảy sinh trong đời sống mà công chúng đang cần lời giải đáp. Báo cũng đã cử các tổ công tác tiến hành điều tra viết bài phản ánh theo dấu thư bạn đọc. Đáng mừng là, sau khi thông tin được đăng tải trên báo, vấn đề, hiện tượng nêu ra đã được cơ quan chức năng quan tâm giải quyết kịp thời, đồng thời có công văn phúc đáp, phản hồi trở lại để cơ quan báo chí có cơ sở thông tin trên báo và trả lời bạn đọc.

Không chỉ Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh cũng duy trì thường xuyên và có hiệu quả chuyên mục “Trả lời bạn xem truyền hình”, “Ống kính phóng viên”… Qua đó góp phần cùng các cơ quan báo chí của tỉnh thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân.

 Ngày hôm nay, trong bối cảnh thông tin bùng nổ, cạnh tranh thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí thì việc đọc, nghiên cứu những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, nói về hoạt động báo chí đối với mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, những người làm báo là vô cùng cần thiết. Qua các tác phẩm không chỉ giúp cho những người làm báo thêm vững tin mà còn tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích cho sự nghiệp làm báo của mình.

HOÀNG THỊNH